Friday 14 March 2008

Entry for March 14, 2008

Trích "Tìm nơi trú bão" - Nguyễn Vạn Phú (TBKTSG)

Hai con số không liên quan gì đến nhau, một bên giảm, một bên lại tăng. Đó là con số học sinh bỏ học đang tăng với mức độ đáng lo ngại, mà theo báo chí, đã lên đến trên một trăm ngàn em. Con số kia là chỉ số chứng khoán VN-Index giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Cách ứng xử trước các con số này cũng khác nhau. Chiều ngày 3-3-2008, Chính phủ ra chỉ thị về việc kiềm chế lạm phát, đến sáng 5-3-2008, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng họp để chọn triển khai biện pháp số 13 trong chỉ thị này: “Nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ khả năng cho phép Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước có thể mua vào một số cổ phiếu loại tốt, có hiệu quả và có tính thanh khoản cao trong những trường hợp cần thiết”. Một sự nhanh nhạy hiếm thấy!

Ngược lại, tình hình học sinh bỏ học đáng báo động như thế nhưng ngành giáo dục chưa đề ra một giải pháp gì cụ thể ngoài tuyên bố của người đứng đầu ngành là tình hình này không nằm ngoài dự kiến, là hệ quả từ cuộc vận động hai không!

Có thể sẽ có người lập luận, phải cứu thị trường chứng khoán để nền kinh tế không bị suy sụp, để thu nhập của người dân không bị sứt mẻ vì lạm phát - từ đó mới ngăn được chuyện học sinh bỏ học - mà theo nhiều người là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn hơn là chuyện “hai không”.

Cho dù có mối quan hệ như vậy đi nữa, người dân không thể không chạnh lòng so sánh lối vận hành của bộ máy nhà nước trước các vấn đề của xã hội và của nền kinh tế. Đằng sau sự sụt giá của thị trường chứng khoán, mà tham gia niêm yết phần lớn là các công ty lớn chứ không phải hàng trăm ngàn công ty vừa và nhỏ đang tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo khắp cả nước, người ta thấy rõ lợi ích của các tổng công ty, các tập đoàn đang bị ảnh hưởng. Chính họ đã liều lĩnh đầu tư tài chính chéo vào nhau nay phải cầu cứu Nhà nước để khỏi sụp đổ. Còn đằng sau những số phận học sinh phải bỏ học, chẳng thấy lợi ích của ai bị ảnh hưởng cả. Chỉ có điều đồng tiền đóng thuế, trực tiếp và gián tiếp, của người dân, kể cả từ những người nghèo phải buộc lòng cho con nghỉ học, đang được ưu tiên sử dụng vào việc giải cứu chứng khoán. Nó tạo ra những tiền lệ cho các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục liều lĩnh vì nghĩ sẽ có Nhà nước đứng ra cứu. Nó cũng sẽ nuốt hết nguồn lực lẽ ra có thể sử dụng vào việc giúp học sinh trở lại mái trường.

-------------

Mạnh được, yếu thua!

1 comment:

  1. Tiền mà. Mấy hôm nay Tiền tác quyền át cả ngày giổ TCS!

    ReplyDelete