Thursday 29 November 2007

Entry for November 30, 2007




Cuối tuần, cuối tháng, và đang bước qua tháng cuối năm.

Mở nhạc Noel là vừa lúc rồi đó... cho thêm một chút lạnh, một chút trang hoàng, chút đông đúc, chút nô nức, có bánh mứt, thơm phưng phức, bỏ hết bực tức, vui cho thấy bớt cực !

Wednesday 28 November 2007

Góc học tập

Do hổm rày có làm việc với bác Lạc Việt nên bạn doan từ nay sẽ mở góc học tập tiếng Anh qua "blast" và "entry".

A bird in the hand is worth two in the bush

Thà rằng được sẻ trên tay

Còn hơn được hứa trên mây hạc vàng!

Sunday 25 November 2007

Entry for November 25, 2007

Tối bỗng thèm cà phê, để nghe một đoạn nhạc xưa thiệt xưa. Cũng nhớ H. Cũng thèm Y.
Mà thôi, khi kỷ niệm đã đầy rồi thì đừng chất thêm nữa. Phải tìm chỗ khác mà chứa chứ!
Đổi quán đi, nhỏ.

Ấu thơ tươi đẹp - NNT

Truyện sáng nay đọc trên TT. Nhói lòng.
-------------------

TT - Đó là chuyến tàu cuối hạ. Người cha bước vào buồng trước, thằng con có đôi mắt tối và ướt của cha bước theo sau, nó quảy một balô nhỏ căng tròn, đầu của một siêu nhân với chiếc mặt nạ ló ra khỏi dây kéo.

Cha na cái vali, dường như cũng nặng. Trong lúc xếp hành lý xuống gầm giường, người cha hơi càu nhàu: "Chỉ vài tháng là trở vô rồi, xách đồ theo chi dữ vậy Sói?". Thằng bé tên Sói trèo lên giường phía trên, nó nói: "Kiếm băng khác phát đi cha, tua đi tua lại câu này hoài con nghe chán chết". Người cha cười khì, vai rúc rích: "Cái thằng...".

Em nằm sát trần tàu, ở cái giường mà nhiều người bất đắc dĩ mới chịu lấy vé chui lên. Họ thấy ngộp trong cái khoảng không gian quá hẹp, rủi mũi ai cao đụng trần là cái chắc. Nhưng em quen rồi, em thích giường này, thích cái chỗ không ai nhìn thấy mình, còn em thì nép ở trên cao, vô tư nhìn thiên hạ.

Tàu rời ga đi về phía cha em. Thằng nhỏ Sói chắc vẫn thường ngược xuôi trên những chuyến tàu, nó nằm bẹp, không thèm ngóc đầu nhìn cảnh vật ngoài cửa sổ. Em cũng vậy, có gì mà coi khi đêm đã nhấn chìm mọi thứ, đã nuốt chửng tất cả vào lòng mình. Nhìn thằng Sói này sướng hơn, vì nó có đôi mắt buồn quá, tưởng như té vô đó thì không mong lội lên. Nó đang nằm gác tay lên trán, con nít mà nằm kiểu đó thì cách gì cũng không hợp. Người cha ở giường dưới nói vọng lên: "Lần này cầu trời tàu chạy đúng giờ. Mẹ Sói khỏi phải cằn nhằn".

- Con trông tàu càng trễ càng tốt. Con ghét mấy con chó quá. Lần nào vô nhà tụi nó cũng sủa nhoi hết - thằng Sói nói, mặt nó lộ vẻ chán chường.

- Thì tại con mau lớn quá, chó nhìn không ra.

- Con là chủ cái nhà đó mà chó coi thua khách.

- Khách nào?

- Cha hỏi làm chi, khách của mẹ thì mắc mớ gì cha.

Thằng nhỏ xẵng giọng. Người tên Cha lại cười trừ. Căn buồng trở lại im lặng, dãy giường bên kia, chỉ một ông già lặng lẽ đắp khăn ngủ khò. Thằng nhỏ lại gác tay lên trán:

- Về kỳ này con mua thuốc chuột thuốc chết mấy con chó.

- Chơi gì ác vậy?

- Đâu có chơi.

- Tội nghiệp tụi nó.

- Cha rảnh dữ ha, đi tội nghiệp mấy con chó.

Những cuộc trò chuyện đi theo một nhịp điệu đều đặn, chỉ vài ba câu qua lại thì thằng Sói sẽ vặc lại cha nó bằng cái giọng gay gắt, vóng cao. Sau đó là sự im lặng của người cha mang tính chất dàn hòa, thua cuộc. Em thò đầu nhìn xuống, và thấy đúng thật thằng nhỏ không nói chơi, mắt nó vằn lên những tia giận dữ, gương mặt tối sầm.

- Mõm của mấy con chó sẽ sùi bọt mép.

- Nghĩ đâu ra trò đó ghê vậy Sói? - Người cha nhổm dậy, vói lấy gói thuốc lá. Sói cười cay độc: "Ai biểu tụi nó sủa con". Điếu thuốc trên tay cha bỗng dưng run rẩy, ông kẹp nó giữa hai ngón tay dường như tê dại đi rồi. Ông day nhìn ra cửa sổ, qua tấm lưới chắn là màn đêm mù mịt. Thằng nhỏ Sói dường như vẫn mải mê đuổi theo cái ý nghĩ bóp nghẹt tiếng sủa của những con chó khi nó trở về nhà, nên nằm bất động.

Thằng nhỏ Sói này giống hệt em hồi trước. Dù nhà của cha em không có chó, nhưng mỗi lần về là thêm một người phụ nữ bước lại vuốt tóc em, hỏi: "Nhiên phải hôn nè? Nhiên năm nay bao nhiêu tuổi? Nhiên thích ăn gì cô chở đi". Em nhìn chằm chằm vào cái miệng nũng nịu âu yếm của cô ta, tỉnh bơ: "Muốn ăn thịt cô quá hà”. Cô nào xấu số nói thêm: "Con thích gì cô cũng chiều" sẽ nhận được một câu trả lời không chờ đợi: "Cô uống thuốc chuột chết đi, con thích vậy". Người phụ nữ khựng lại, lùi hai ba bước, gượng gạo cười, kêu cha em: "Anh ơi anh, bé Nhiên nói chuyện dễ thương ghê”. Sau đó, cô bỏ giọng thẽ thọt, ra vẻ lo lắng: "Coi bộ bên đó không quan tâm con gái lắm, anh à”. Cha em cười: "Chuyện của bên đó, mình xen vô làm gì”.

Em ở với cha suốt mùa hè. Khi còn một tuần nữa tựu trường, cha lại đưa em đi, đôi khi bằng xe hơi của cha, nhưng thường thì đi tàu. Cha em nói một mình ông lái xe về thì đường dài và cô đơn lắm. Có lần, không gọi điện thoại được cho mẹ, tiễn em tới cổng thì đến giờ cha phải quay lại ga, và trong lúc đoàn tàu chuyển bánh ngoài kia thì em vẫn loay hoay với xâu chìa khóa. Không chìa nào mở được cánh cửa. Em ngồi đợi dưới mưa tháng tám, mẹ về, mẹ la lên, trời đất ơi, mẹ đi suốt, khóa cũ thấy không an toàn nên mẹ thay khóa mới. Em đá cái ổ khóa đó văng xuống cống, sưng vù mấy đầu ngón chân, mẹ giễu cợt: "Chà, không biết bên đó dạy làm sao mà mỗi lần về chị lại cộc cằn không chịu nổi".

Thằng nhỏ Sói này cũng trên đường về với mẹ. Ở đó có những con chó không còn nhớ hơi chủ nhỏ. Và chúng sẽ chết. Nếu mười ba, mười bốn tuổi mà âm mưu dập tắt một hơi thở, dù là của chó thì cũng chẳng hợp chút nào. Dường như người cha cũng đang sắp lại chuỗi suy đoán như em, mặt ông phảng phất lo âu, môi đã máy mấy lần nhưng không cất thành lời. Hồi lâu, hết điếu thuốc rồi dụi cái tàn vào miệng chai nước suối, người cha nói:

- Về nhớ điện thoại thường thường nghen. Nhưng đừng điện lúc nửa đêm.

- Sao vậy? Lúc đó cha mắc ôm bà nào hả?

- Cái thằng... - Người cha gắt lên - nói bậy riết rồi quen.

Thằng nhỏ Sói cười hề hề, răng nó nhọn hoắt: "Nói tầm bậy tầm bạ trúng tùm lum tùm la". Người cha cũng gượng cười theo, ông nằm xuống, vói tay tắt đèn. Vào cái lúc sắp xa con chín tháng liền, cha bỗng dưng thấy cuộc sống của con như vầy không bình thường, muốn bù đắp cho con. Cha kéo con gần lại bằng những câu chuyện dịu dàng, nhưng con thì đẩy cha ra, bằng mọi giá, bởi con không muốn khóc khi xuống ga của mẹ. Em biết.

Thằng nhỏ Sói kéo tấm ra mỏng của tàu lên cổ, cả gương mặt nó chìm vào ánh sáng lờ mờ. Nhưng thằng nhỏ Sói không ngủ, vẫn còn hai cái hố thẳm sâu biền biệt, mở trâng tráo. Những đêm như thế này em cũng không ngủ. Em sợ khi mở mắt thức dậy đã nhìn thấy mẹ em, mặc cái áo mẹ mua trong lúc vắng em, ra mở cửa. Vào nhà, em thấy một đôi giày đàn ông xa lạ. Và cái đèn ngủ màu đỏ của em mẹ đã thay bằng thứ ánh sáng xanh tái. Có cái tủ mới trong bếp. Một vài đĩa CD mà em yêu thích thì mất. Em lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại.

Mùa hè ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu tiễn em đi. Thằng nhỏ Sói đang thao thức dưới kia cũng không khác gì em. Lúc nhân viên tàu đi bán thức ăn đêm, người cha mua hai tô cháo gà. Thằng nhỏ Sói cười kha kha kha, nói, cha muốn con ăn gà để nổi mề đay cùng mình hả? Người cha hơi bực: "Ông con ơi, sao không chịu nói sớm". Sói thản nhiên, tưởng cha biết lâu rồi.

Người cha cắn môi. Ông trợn trạo húp vài muỗng rồi bỏ ngang, hút thuốc. Chuyến tàu cuối hè bỗng trùng trình giảm tốc độ, tưởng như cái buồng phổi đang xám lại kia quá nặng nề. Tàu vào ga tỉnh lẻ.

Người cha rủ thằng nhỏ Sói xuống ga. Sói im lặng, như đã ngủ say rồi. Cha xuống một mình, ông phải mua thêm vài gói thuốc lá nữa, trong một đêm quá dài của năm này. Nhưng thằng Sói tụt xuống sàn, dán mắt nhìn qua ô cửa. Những cái đèn neon xanh xao đang soi những hàng quán ngái ngủ, những đứa trẻ bán dạo thoát khỏi cơn mộng du lanh lảnh rao mời rồi khi tàu lăn bánh, chúng lại tiếp tục lờ đờ vừa đứng tựa vào tường ngủ ngây ngô. Thằng Sói đứng nhìn cho đến khi người cha quay vào, ông hỏi: "Ủa, không ngủ sao?".

- Chừng này mà ngủ gì?

- Gần mười hai giờ rồi còn sớm sao ông con?

- Con đâu có ngủ giờ này.

- Hèn chi toàn điện thoại lúc giữa đêm. Con thức chi khuya vậy?

- Thức để suy nghĩ... Mà, cha hỏi nhiều quá...

Thằng nhỏ Sói bỏ lửng câu nói, bứt ngang cuộc trò chuyện, trèo lên giường. Nó không bao giờ để người cha nhìn thấy khuôn mặt mình, đôi mắt mình. Nó luôn quay lưng và nói. Cúi mặt và nói. Ngó bâng quơ và nói. Người cha ngồi dựa vào vách tàu, xé mở gói thuốc mới. Đốm lửa lại xập xòe trên môi.

Chiếc tàu đi vào vùng gió cát, rùng mình suốt vì những cơn lạnh buốt. Thằng Sói đã ngủ, nằm co như dấu hỏi, như con tôm luộc chơ vơ trên cái đĩa lớn. Cô độc. Người cha cũng ngủ, cái đầu lọc thuốc còn bẹo dính bên mép. Em không còn gì để nhìn, nhưng không chợp mắt được. Em luôn thức trắng trên những chuyến tàu.

Em sợ bỏ lỡ những bình minh, cái khoảnh khắc mà người ta tỉnh dậy, tan chảy theo cơn lười nhác và tuyệt vọng, họ đã vĩnh viễn làm mất ngày hôm qua, và không có cách gì giữ lại ngày mới này. Thằng nhỏ Sói nhìn quanh quất, bất giác nó ứa nước mắt ra. Để che giấu điều đó, nó tụt xuống đi rửa mặt, nó chao đi trên con tàu trùng trình, tiếng bánh xe sắt nghiến vào đường ray buốt nhức. Người cha ngồi dậy, không thấy Sói đâu thì hơi hoảng, bươn ra cửa, dáo dác. Nhác thấy bóng thằng nhỏ Sói quay vô, người cha kêu lên:

"Sao không kêu cha?". Sói dửng dưng: "Mặt ai nấy rửa, cu ai nấy cầm, lâu nay con làm được mà”. Người cha vò tóc, dường như vẫn chưa dứt khỏi cơn mơ, ông khẽ cụng đầu vào thành tàu..

Giữa bữa sáng, người cha nói: "Tại chiêm bao thấy con đi lạc nên mới quýnh". Thằng nhỏ Sói ngoáy mấy sợi mì quấn vòng quanh chiếc đũa, nó gật gù: "Cha để lạc thì con mới lạc". Em ngồi xếp bằng, ngó mấy cái xoáy ngựa trên đầu thằng nhỏ Sói, và nghĩ thằng nhỏ này đã đi lạc lâu rồi. Điều đó gần như chắc chắn, vì em chính là thằng nhỏ Sói, giây phút này. Thấy ngạc nhiên và kỳ lạ, thấy không chấp nhận được khi người lớn bắt đầu tìm kiếm mình khi đã rời khỏi họ quá chừng xa.

Tàu lại vào ga. Lần này tàu sẽ dừng hẳn hai mươi phút. Hành khách tuôn xuống và đùn lại những hàng dài trước cửa những phòng tắm. Qua tấm lưới chắn, em nhìn thấy người cha chen đẩy thằng nhỏ Sói vô tắm trước. Ba phút sau nó đi ra với cái đầu rỏ nước long tong, cầm cái túi để người cha bước vào. Em vẫn thường xem cảnh chen chúc tắm táp như trò ảo thuật, người ta nhàu nhĩ bước vào và tươi mới, phấn khởi khi trở ra. Nhưng bây giờ thì em bận nhìn thằng nhỏ Sói, nó ôm cái balô nhỏ rúm vào người vì sợ kẻ cắp, đi rà theo mấy quán hàng. Nó dừng lại trước một gia đình đang ăn cơm không biết sáng hay trưa bên hàng hiên của nhà ga. Một đứa trẻ nằm gối lên đùi người mẹ, đầu đứa trẻ khác lại gối lên bụng đứa kia. Họ sẽ hát vài bài khi chuyến tàu ngược về phía mẹ em ghé lại ga này lúc xế chiều.

Em biết họ. Nhưng em không chắc thằng nhỏ Sói có biết, bởi nó cứ đứng nhìn, em chỉ thấy cái gáy của nó với sợi đuôi rùa im phắc. Cả người Sói thả lỏng, balô được xách hờ bằng mấy ngón tay buông lơi. Hồi lâu, Sói quay lại nhìn về phía tàu, và đôi mắt nó xuyên qua khoảng sân ga rộng làm vạt nắng xanh xao. Hay có cục mây bay ngang đầu mà em không thấy? Rồi Sói quay đi, nhòa vào dòng người. Cái dáng gầy gò với chòm tóc nhuộm vàng rốt cuộc chỉ còn trong trí nhớ của em.

Người cha trở ra, ông ngó quanh rồi thong thả lên tàu, giấc mơ kỳ dị lạc mất con đã bị nước giội khuây khỏa. Chỉ khi tới cửa buồng, người cha mới hơi chột dạ, hỏi thăm ông già, mà giọng đã có phần run: "Chú Hai có thấy thằng con cháu lên đây không?". Ông già lắc đầu. Người cha quay ngoắt xuống sân ga, gào tên thằng Sói trong khi mấy cái loa thông báo tàu sắp rời đi. Chân người cha gần như không chạm đất, cả người ông lướt đi giữa dòng người. Cầm điện thoại rướn người nhìn vào căn buồng trống trải, người cha lạc giọng: "Thằng Sói mất rồi... Alô. Mất. Không phải hành lý. Thằng Sói... Cô vừa ý chưa? Dẹp đám cưới của cô giùm tôi...".

Người trong mấy buồng chung quanh cũng túa ra, nháo nhác. Ông già chặn một nhân viên của tàu ngang qua nhờ tìm giúp thằng bé. Rồi ông già bồn chồn ngó xuống sân ga đã nhợt nhạt bóng người: "Trời đất ơi, tàu sắp chạy rồi, không biết tìm thằng nhỏ kịp không đây?".

Em biết là không. Thằng nhỏ Sói sẽ tan biến như chưa từng có trong đời. Nó xuống một ga không có bầy chó sủa khi nó về nhà của chính mình, một ga không có những người phụ nữ biết chính xác cái quần cộc của cha nó nằm ở đâu trong lúc nó tìm loay hoay.

Em thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ vun vén ở mỗi tiệm thuốc tây một chút. Nên em hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa của Sói.

---------------

Em ơi, ...!


Saturday 24 November 2007

Entry for November 24, 2007

Nghe Kenny G thổi “Forever in Love” muốn “nín thở”. Kenny G mà chơi “Going home” lúc mình buồn chắc chỉ có nước khóc (vì bài này xứng đáng như thế!).
"Giày đỏ", em ở đâu? Chị nhắn tin mà em không trả lời?

Tuesday 20 November 2007

Nhất tự vi sư

Rất nhiều lời cám ơn muốn nói.
Cám ơn thầy cô vì niềm say mê và cảm hứng đã truyền cho em.

Sunday 18 November 2007

NCKBH

Giọng anh không thay đổi. Cách dẫn vẫn vậy. Xưa nhưng không chán.
Tôi vẫn còn nguyên cảm giác thích thú bật đài lên lúc 10 giờ đêm Chủ nhật. Chờ được nghe một bài yêu thích nhưng khó kiếm, muốn có cảm giác lưu luyến một bài hay nhưng biết sẽ rất khó tìm…

Tôi nhớ có quãng các bạn nghe đài đòi cách tân NCKBH. Một loạt ý kiến nào là NCKBH phát nhạc “hổng có ai yêu”, “dị”, “xa rời” ý thích của mọi người. TQ phải lựa chọn giữa sở thích số đông và cái “gu” của anh. Có người bảo TQ “độc tài”. Rồi anh cũng “nhượng bộ”. Chương trình dành thêm sóng cho nhạc yêu cầu, bớt phần giới thiệu nhạc mới lạ (dị) của anh. Tôi nghe giọng anh buồn hơn trên sóng, chắc anh thấy cô đơn lắm với cái nhiệt tình không-được-mấy-ai-hiểu của mình.

Tối nay, nghe lại, tôi cảm như anh đang quay lại cái gu của mình. Tôi vui lắm. Tôi tự hỏi trong số những người đòi cách tân năm xưa, có ai còn nghe chương trình, nếu như hôm nay NCKBH vẫn phát những “Nothing's gonna change”, “Boulevard” qua hết tháng này sang tháng khác, y hệt những chương trình yêu cầu vẫn nhan nhản trên radio và ti-vi?

Tôi biết làm một "host" của chương trình không dễ chút nào. Có thính giả xẹt ngang, xỉa vài câu. Tôi học được một câu trên blog, dư luận như một đám mây, kéo đến ầm ầm đó, nhưng chúng sẽ bay đi. Đừng đẽo cày giữa đường, TQ nhé!

Saturday 17 November 2007

Một trang mới (*)

Ngủ một giấc cho khỏe để lật trang mới.
------------
(*) Ba.

Thursday 15 November 2007

Entry for November 15, 2007




Tôi cũng không nhớ sao mình dám gật đầu đi học khiêu vũ, bởi tính mình rất nhát. Nhảy nhót hay ca hát càng không phải là đam mê. Bài học đầu tiên, đi bước chân, khá thuận lợi. Sang bài sau, rồi lên lớp kế tôi thấy mình càng “ngu” cái khoản nhìn và lặp lại, nhớ chân trái hay phải, lên hay xuống, đếm nhịp, và đặc biệt là “ter” các loại. Tôi không biết bài này điệu gì, vào nhạc chỗ nào. Tôi lẫn lộn nào là boston, rumba, cha cha, paso, tango, rồi ja. Lại càng vô cùng bối rối khi bước xoay, vung tay ra. Không biết đi sao cho mềm mại, uyển chuyển và nữ tính.


Nhưng tôi biết, vào phòng bắt đầu nhảy thì những mệt mỏi cũng tan đi, hay ít ra chúng không làm tôi vướng chân. Tôi biết khi nhảy nên nhìn vào “partner” (chứ không phải nhìn chân người khác). Tôi biết thích nhảy một điệu quen và lắng nghe một bài hay như đang trong một “ballroom” thật. Tôi dù không thích mấy người đứng tuổi ăn mặc mát mẻ cho lắm, nhưng thấy ngưỡng mộ họ ở khoản “yêu mình, yêu đời” này lắm. Tôi nghĩ, họ sống nhiệt tình như thế, cớ sao mình lại không?

Tôi cám ơn mình vì cái gật đầu hôm đó.

Đặt tay lên vai anh, dìu một điệu valse…

Saturday 10 November 2007

Entry for November 10, 2007

Cho đến ¾ giờ trước khi chị bước vào cõi chết, An Mi vẫn chưa sống những ngày và những đêm của mình. Chị sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Lạc lõng, vô vị. Trong khoảnh khắc kêu cứu khỏi dòng nước đang chảy xuống triền núi ấy, có ai lắng nghe?

Cuộc đời chị là ký ức (bị chối bỏ) về một vùng quê chiến tranh, nơi đại bác giết mẹ và em chị, của một thời niên thiếu với tình yêu thương của người cha nuôi, là thời gian ngắn ngủi với người chổng yêu dấu, người bỏ chị lại sau một tai nạn ô tô vào một ngày mù sương. Sau cái chết ấy, chị cũng ra đi trên những con tàu để tìm đến cái chết, bởi cuộc đời giờ là vô nghĩa. Hai năm tiếp theo, chị sống bằng kí ức viết trong một sổ tay; bằng cuộc sống của Anita, một phụ nữ có lẽ bị chồng giết. Chị sống bằng những mảnh vỡ kí ức của Marcus, đứa em có đôi mắt đẹp và rất buồn…

Nhưng thật muộn màng khi chị nhận ra điều chị cần làm là nhìn thấy đứa em mình đã bỏ rơi một lần, cho chị giải oan, cho chị quay về với cuộc đời.

Truyện hay, doan không bà con gì với Đoàn Minh Phượng, nhưng sẵn sàng tặng cho ai thích đọc. (số lượng có hạn). ;-)

Sunday 4 November 2007

và khi tro bụi - đoàn minh phượng

Nghe tiếng VKTB đã lâu, tìm và chờ tái bản. Nên mình háo hức mở xem ngay khi mua được nó.

Đọc để thấy cái lãng bãng mù sương của đất khách quê người, thấy cô độc của người thiếu phụ lạc loài trong thế giới bên-ngoài-đường-viền-chính-tôi. Cô sống trên những chuyến tàu, đi tìm mình trước khi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.

Thursday 1 November 2007

Phía trước là bầu trời

Cái rèm cửa sổ mở ra, một bầu trời trong xanh hửng nắng đã chờ sẵn ở đó. Mình thích màu xanh da trời, màu xanh của biển. Màu của hy vọng mà.

31.10. Vị thần thời gian này quét qua, có niềm vui sum họp cho người này, trăm công nghìn việc cho người khác, một sự kiện đau buồn cho ai đó... Không ai oán trách, bởi vì ai cũng biết đó là màu sắc của cuộc sống, có nóng có lạnh, có tươi có xám. Bởi, thời gian không bao giờ trở lại. Sáng nay mở rèm, phía trước bầu trời vẫn ở đó, xanh.

Hãy bắt đầu.