Sáng hôm nay, mình đạp xe đến chỗ làm. Đến nơi, mình "chưng" nó trên bàn.
Xe màu xanh, ngửi còn mùi sơn. Xe làm dáng thô mộc, tróc sơn vài chỗ. Tuy nhìn mộc mạc nhưng hút hồn mấy cô trong phòng hết.
Hy vọng không ai nổi lòng tham...
Sáng hôm nay, mình đạp xe đến chỗ làm. Đến nơi, mình "chưng" nó trên bàn.
Xe màu xanh, ngửi còn mùi sơn. Xe làm dáng thô mộc, tróc sơn vài chỗ. Tuy nhìn mộc mạc nhưng hút hồn mấy cô trong phòng hết.
Hy vọng không ai nổi lòng tham...
3 điều ước nhỏ nhoi, con kính gửi ông:
Một là, hic, ông già Nô-en ơi, ông giúp con thuốc ăn nhiều và tăng cân với. Chẳng qua là vì con nhận thấy Giáng sinh năm nay con không còn ăn nhìu như dạo trước. Hix hix, chiều nay con chỉ “xơi” nổi có 1 cái đùi gà KFC, 1/6 cái bánh pizza cỡ lớn, ½ phần khoai tây chiên, 1 tô cháo gà , 2 viên kem Goody, ½ cái bánh ngọt và 1 ly Coca Cola.
Hai là, con chỉ có mong ước nhỏ bé là sếp con mau tăng lương cho con để con có đủ tiền mua nhà ở Sky Garden, chỗ PMH sạch đẹp, nề nếp và an ninh đó ông. Con thấy chỗ đó ở “okie” lắm!
Còn điều ước cuối cùng, như S. Bullock trong M.C con mong “world peace, world peace and… world peace” !!!
TB:
Nếu ông còn bối rối không bít nên hiện thực hóa điều ước của con như thế nào thì con bày ông nhé:
1. Tiêm cho con dexamethason, da căng, háu ăn liền.
2. Cho VNIndex tăng vù vù lên 2000 hay 3000 điểm.
3. Mượn Doraemon bí kíp chế tạo vi-rút xấu hổ gieo lên (bọn) TQ để chúng tự động rút lính khỏi HS, TS.
Tuần này mình được sống "nhẹ" (như ăn chay vậy). Công việc ít hơn tuần trước, bớt suy nghĩ. Ti vi ở nhà hư, bớt coi. ADSL không xài nữa, bớt tốn tiền. Anh không ở đây, bớt đi chơi.
Thêm vài trang của MOKS mỗi tối. Ngủ nhiều hơn. He hehe...
Tên sách nghe hơi rợn. Mà DMP có không đặt tên như vậy thì văn của cô cũng có gì đó "lạnh xương sống". Một lần nữa, mình say mê với từng câu chữ của cô.
Một cô gái trẻ từ HN vào SG tìm cha, người đã bỏ rơi mẹ cô lúc bà mang thai. Khi đến nơi, cô gặp hồn ma của đứa em gái sinh đôi mất tích 22 năm trước. Người em dẫn dắt, lôi cuốn chị vào một thế giới ma mị, một thế giới của loài người đầy rẫy tội ác, lừa gạt, bội phản... Sống bên hồn ma, bờ bên kia của sự thật, trinh tiết chỉ là một món quà độc ác của thượng đế. Ở đó, ý chí của cô bị thách thức đến tận cùng... (trích lời giới thiệu sách)
MÙA HÁT
- Nhật An -
Mùa đông hát một bài ca lạ
Người về từ nỗi nhớ xa xôi
Lời yêu của một người cuối hạ
Cũng về rưng rức đọng trên môi.
Có những bàn tay tìm nhau mà khóc
Tìm nhau mà kể chuyện dại khờ
Có nước mắt nào nồng thơm trên tóc
Đêm về khe khẽ hóa câu thơ.
Có cuối đường mưa hai người bé nhỏ
Dìu nhau trên những bước đời mình
Đền đài bỏ hai người nín thở
Ngủ vùi trong trần thế vắng tanh.
Đưa người sang đến mùa cỏ biếc
Tôi nằm nghe sỏi đá đơm hoa
Nụ hôn có điều gì tha thiết
Mà nằm không ngủ suốt đêm qua...
Đoạn đường qua Lại Uyên, Bình Dương có cỏ cháy mọc hai bên và rừng cao su thấp thoáng. Không đẹp bằng đoạn vào Bình Phước hay lên Dak Lak nhưng cũng đỡ ghiền. Đường vắng, đại lộ rộng, nắng chói, phát nhạc này trong ô tô thì giống y cảnh Nervada của Mỹ.
Nghe "The Eagles" bùm bùm với "Hotel California", thỏ thẻ với "Love will keep us alive" hay tình củm với "The girl from yesterday" cũng cho bõ chuyến đi chứ.
Nhân một câu chuyện
Hồi nhỏ mình không bao giờ nghĩ phụ nữ khổ như mọi người hay bảo. Lớn lên rồi, thấy hình ảnh người ta làm chị, làm vợ, làm mẹ, làm bà thì mới hiểu được, dù cho bây giờ có thay đổi đi nhiều, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới.
Là mẹ. Cảm giác một sinh linh bé bỏng từ dạ mình mà ra, ắt hẳn kỳ diệu lắm. Mà nghĩ, cảnh hạnh phúc đó sẽ là ác nghiệt tận cùng nếu như “đi biển mồ côi một mình”. Không phải ai cũng đủ may mắn để có một người cùng xây tổ ấm. Không trọn vẹn, đâu ai muốn. Nhưng mình cực kỳ ghét ai phát biểu dạng tôi mạnh mẽ lắm, xinh đẹp và tài giỏi lắm, chẳng có chàng/nàng nào sánh nổi tôi đâu. Con tôi không cần bố/ mẹ. Đó là đánh giá thấp người khác và tự hạ mình (?). Cuộc sống vốn rất cần sự thông cảm và sẻ chia.
Làm mẹ bao giờ cũng thiêng liêng. Nghĩ và làm người mẹ đơn thân phải mạnh mẽ và dũng cảm trăm lần. Hạnh phúc có thể mỉm cười với người này nhưng có thể tròn méo với người khác. Hạnh phúc không tròn thì mình ráp nó lại vậy. Làm mẹ là quyền (cả nghĩa vụ) và thiên chức của phụ nữ. Là quyền, hãy để họ chọn.
LTS: hơi bị “quê” vì diễn đạt bằng lời quá tệ. Nên viết, với số lần chỉnh sửa là bội số của số lần uốn lưỡi cần thiết.
Tôi là gì giữa một hư vô
với trái đất này tôi là hạt bụi
nếu một hôm tình cờ tôi trượt
trên dốc đời và thế là tôi...
Chút ngần ngại khi dùng lại từ "than đen" ở đây. Hết ẩm mốc và ướt, vì "than đen" đang đến với vùng đất của mặt trời mọc. Mong
Nhưng mỗi ngày mặt trời vẫn đỏ
mỗi ngày tôi bỡ ngỡ bàn chân
mỗi ngày vẫn mỗi ngày cơn khát
vẫn hoa quỳnh vẫn những chồi xinh...
...
Tôi lơ mơ quên hạt bụi mình
một hạt bụi chợt thấy mình vũ trụ
một vũ trụ chợt thấy mình nhỏ bé
trong âm thầm dìu dịu một hương bay...
(Trích Khúc lưu đày của hạt bụi - Bùi Xuân)
Hôm nào về muộn tôi hay tận dụng cơ hội đứng ở cửa sổ nhìn xuống đoạn đường NTMK một chiều qua tòa nhà. Một dòng xe chảy mải miết. Khúc này một chiều, đoạn TD rẽ xuống cũng một chiều nên dòng xe như những con kiến vàng óng ánh bò xuôi một dòng. Đàn kiến bò len giữa các tán cây cao, mải miết, siêng năng, chảy như không-biết-có một cậu bé tò mò từ bên ngoài nhìn vào.
Trưa, tôi nằm trong phòng, tự hỏi duyên nào đưa những con người khác nhau vào cùng chung một phòng này, họ thở cùng không khí của cái máy điều hòa, cùng làm trong 9 tiếng mệt-mỏi hằng ngày, cùng phải nghỉ lúc trưa, uề oải lúc bắt đầu giờ chiều, cùng làm các project với nhau. Vâng, cái duyên. Tôi nghĩ sẽ "cải tiến" được cách cư xử và nhìn nhận với mọi người, bỏ đi cái version cũ ở BKB. Hì, hứa.
Cuối tuần, cuối tháng, và đang bước qua tháng cuối năm.
Mở nhạc Noel là vừa lúc rồi đó... cho thêm một chút lạnh, một chút trang hoàng, chút đông đúc, chút nô nức, có bánh mứt, thơm phưng phức, bỏ hết bực tức, vui cho thấy bớt cực !
Do hổm rày có làm việc với bác Lạc Việt nên bạn doan từ nay sẽ mở góc học tập tiếng Anh qua "blast" và "entry".
A bird in the hand is worth two in the bush
Thà rằng được sẻ trên tay
Còn hơn được hứa trên mây hạc vàng!
TT - Đó là chuyến tàu cuối hạ. Người cha bước vào buồng trước, thằng con có đôi mắt tối và ướt của cha bước theo sau, nó quảy một balô nhỏ căng tròn, đầu của một siêu nhân với chiếc mặt nạ ló ra khỏi dây kéo.
Cha na cái vali, dường như cũng nặng. Trong lúc xếp hành lý xuống gầm giường, người cha hơi càu nhàu: "Chỉ vài tháng là trở vô rồi, xách đồ theo chi dữ vậy Sói?". Thằng bé tên Sói trèo lên giường phía trên, nó nói: "Kiếm băng khác phát đi cha, tua đi tua lại câu này hoài con nghe chán chết". Người cha cười khì, vai rúc rích: "Cái thằng...".
Em nằm sát trần tàu, ở cái giường mà nhiều người bất đắc dĩ mới chịu lấy vé chui lên. Họ thấy ngộp trong cái khoảng không gian quá hẹp, rủi mũi ai cao đụng trần là cái chắc. Nhưng em quen rồi, em thích giường này, thích cái chỗ không ai nhìn thấy mình, còn em thì nép ở trên cao, vô tư nhìn thiên hạ.
Tàu rời ga đi về phía cha em. Thằng nhỏ Sói chắc vẫn thường ngược xuôi trên những chuyến tàu, nó nằm bẹp, không thèm ngóc đầu nhìn cảnh vật ngoài cửa sổ. Em cũng vậy, có gì mà coi khi đêm đã nhấn chìm mọi thứ, đã nuốt chửng tất cả vào lòng mình. Nhìn thằng Sói này sướng hơn, vì nó có đôi mắt buồn quá, tưởng như té vô đó thì không mong lội lên. Nó đang nằm gác tay lên trán, con nít mà nằm kiểu đó thì cách gì cũng không hợp. Người cha ở giường dưới nói vọng lên: "Lần này cầu trời tàu chạy đúng giờ. Mẹ Sói khỏi phải cằn nhằn".
- Con trông tàu càng trễ càng tốt. Con ghét mấy con chó quá. Lần nào vô nhà tụi nó cũng sủa nhoi hết - thằng Sói nói, mặt nó lộ vẻ chán chường.
- Thì tại con mau lớn quá, chó nhìn không ra.
- Con là chủ cái nhà đó mà chó coi thua khách.
- Khách nào?
- Cha hỏi làm chi, khách của mẹ thì mắc mớ gì cha.
Thằng nhỏ xẵng giọng. Người tên Cha lại cười trừ. Căn buồng trở lại im lặng, dãy giường bên kia, chỉ một ông già lặng lẽ đắp khăn ngủ khò. Thằng nhỏ lại gác tay lên trán:
- Về kỳ này con mua thuốc chuột thuốc chết mấy con chó.
- Chơi gì ác vậy?
- Đâu có chơi.
- Tội nghiệp tụi nó.
- Cha rảnh dữ ha, đi tội nghiệp mấy con chó.
Những cuộc trò chuyện đi theo một nhịp điệu đều đặn, chỉ vài ba câu qua lại thì thằng Sói sẽ vặc lại cha nó bằng cái giọng gay gắt, vóng cao. Sau đó là sự im lặng của người cha mang tính chất dàn hòa, thua cuộc. Em thò đầu nhìn xuống, và thấy đúng thật thằng nhỏ không nói chơi, mắt nó vằn lên những tia giận dữ, gương mặt tối sầm.
- Mõm của mấy con chó sẽ sùi bọt mép.
- Nghĩ đâu ra trò đó ghê vậy Sói? - Người cha nhổm dậy, vói lấy gói thuốc lá. Sói cười cay độc: "Ai biểu tụi nó sủa con". Điếu thuốc trên tay cha bỗng dưng run rẩy, ông kẹp nó giữa hai ngón tay dường như tê dại đi rồi. Ông day nhìn ra cửa sổ, qua tấm lưới chắn là màn đêm mù mịt. Thằng nhỏ Sói dường như vẫn mải mê đuổi theo cái ý nghĩ bóp nghẹt tiếng sủa của những con chó khi nó trở về nhà, nên nằm bất động.
Thằng nhỏ Sói này giống hệt em hồi trước. Dù nhà của cha em không có chó, nhưng mỗi lần về là thêm một người phụ nữ bước lại vuốt tóc em, hỏi: "Nhiên phải hôn nè? Nhiên năm nay bao nhiêu tuổi? Nhiên thích ăn gì cô chở đi". Em nhìn chằm chằm vào cái miệng nũng nịu âu yếm của cô ta, tỉnh bơ: "Muốn ăn thịt cô quá hà”. Cô nào xấu số nói thêm: "Con thích gì cô cũng chiều" sẽ nhận được một câu trả lời không chờ đợi: "Cô uống thuốc chuột chết đi, con thích vậy". Người phụ nữ khựng lại, lùi hai ba bước, gượng gạo cười, kêu cha em: "Anh ơi anh, bé Nhiên nói chuyện dễ thương ghê”. Sau đó, cô bỏ giọng thẽ thọt, ra vẻ lo lắng: "Coi bộ bên đó không quan tâm con gái lắm, anh à”. Cha em cười: "Chuyện của bên đó, mình xen vô làm gì”.
Em ở với cha suốt mùa hè. Khi còn một tuần nữa tựu trường, cha lại đưa em đi, đôi khi bằng xe hơi của cha, nhưng thường thì đi tàu. Cha em nói một mình ông lái xe về thì đường dài và cô đơn lắm. Có lần, không gọi điện thoại được cho mẹ, tiễn em tới cổng thì đến giờ cha phải quay lại ga, và trong lúc đoàn tàu chuyển bánh ngoài kia thì em vẫn loay hoay với xâu chìa khóa. Không chìa nào mở được cánh cửa. Em ngồi đợi dưới mưa tháng tám, mẹ về, mẹ la lên, trời đất ơi, mẹ đi suốt, khóa cũ thấy không an toàn nên mẹ thay khóa mới. Em đá cái ổ khóa đó văng xuống cống, sưng vù mấy đầu ngón chân, mẹ giễu cợt: "Chà, không biết bên đó dạy làm sao mà mỗi lần về chị lại cộc cằn không chịu nổi".
Thằng nhỏ Sói này cũng trên đường về với mẹ. Ở đó có những con chó không còn nhớ hơi chủ nhỏ. Và chúng sẽ chết. Nếu mười ba, mười bốn tuổi mà âm mưu dập tắt một hơi thở, dù là của chó thì cũng chẳng hợp chút nào. Dường như người cha cũng đang sắp lại chuỗi suy đoán như em, mặt ông phảng phất lo âu, môi đã máy mấy lần nhưng không cất thành lời. Hồi lâu, hết điếu thuốc rồi dụi cái tàn vào miệng chai nước suối, người cha nói:
- Về nhớ điện thoại thường thường nghen. Nhưng đừng điện lúc nửa đêm.
- Sao vậy? Lúc đó cha mắc ôm bà nào hả?
- Cái thằng... - Người cha gắt lên - nói bậy riết rồi quen.
Thằng nhỏ Sói cười hề hề, răng nó nhọn hoắt: "Nói tầm bậy tầm bạ trúng tùm lum tùm la". Người cha cũng gượng cười theo, ông nằm xuống, vói tay tắt đèn. Vào cái lúc sắp xa con chín tháng liền, cha bỗng dưng thấy cuộc sống của con như vầy không bình thường, muốn bù đắp cho con. Cha kéo con gần lại bằng những câu chuyện dịu dàng, nhưng con thì đẩy cha ra, bằng mọi giá, bởi con không muốn khóc khi xuống ga của mẹ. Em biết.
Thằng nhỏ Sói kéo tấm ra mỏng của tàu lên cổ, cả gương mặt nó chìm vào ánh sáng lờ mờ. Nhưng thằng nhỏ Sói không ngủ, vẫn còn hai cái hố thẳm sâu biền biệt, mở trâng tráo. Những đêm như thế này em cũng không ngủ. Em sợ khi mở mắt thức dậy đã nhìn thấy mẹ em, mặc cái áo mẹ mua trong lúc vắng em, ra mở cửa. Vào nhà, em thấy một đôi giày đàn ông xa lạ. Và cái đèn ngủ màu đỏ của em mẹ đã thay bằng thứ ánh sáng xanh tái. Có cái tủ mới trong bếp. Một vài đĩa CD mà em yêu thích thì mất. Em lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại.
Mùa hè ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu tiễn em đi. Thằng nhỏ Sói đang thao thức dưới kia cũng không khác gì em. Lúc nhân viên tàu đi bán thức ăn đêm, người cha mua hai tô cháo gà. Thằng nhỏ Sói cười kha kha kha, nói, cha muốn con ăn gà để nổi mề đay cùng mình hả? Người cha hơi bực: "Ông con ơi, sao không chịu nói sớm". Sói thản nhiên, tưởng cha biết lâu rồi.
Người cha cắn môi. Ông trợn trạo húp vài muỗng rồi bỏ ngang, hút thuốc. Chuyến tàu cuối hè bỗng trùng trình giảm tốc độ, tưởng như cái buồng phổi đang xám lại kia quá nặng nề. Tàu vào ga tỉnh lẻ.
Người cha rủ thằng nhỏ Sói xuống ga. Sói im lặng, như đã ngủ say rồi. Cha xuống một mình, ông phải mua thêm vài gói thuốc lá nữa, trong một đêm quá dài của năm này. Nhưng thằng Sói tụt xuống sàn, dán mắt nhìn qua ô cửa. Những cái đèn neon xanh xao đang soi những hàng quán ngái ngủ, những đứa trẻ bán dạo thoát khỏi cơn mộng du lanh lảnh rao mời rồi khi tàu lăn bánh, chúng lại tiếp tục lờ đờ vừa đứng tựa vào tường ngủ ngây ngô. Thằng Sói đứng nhìn cho đến khi người cha quay vào, ông hỏi: "Ủa, không ngủ sao?".
- Chừng này mà ngủ gì?
- Gần mười hai giờ rồi còn sớm sao ông con?
- Con đâu có ngủ giờ này.
- Hèn chi toàn điện thoại lúc giữa đêm. Con thức chi khuya vậy?
- Thức để suy nghĩ... Mà, cha hỏi nhiều quá...
Thằng nhỏ Sói bỏ lửng câu nói, bứt ngang cuộc trò chuyện, trèo lên giường. Nó không bao giờ để người cha nhìn thấy khuôn mặt mình, đôi mắt mình. Nó luôn quay lưng và nói. Cúi mặt và nói. Ngó bâng quơ và nói. Người cha ngồi dựa vào vách tàu, xé mở gói thuốc mới. Đốm lửa lại xập xòe trên môi.
Chiếc tàu đi vào vùng gió cát, rùng mình suốt vì những cơn lạnh buốt. Thằng Sói đã ngủ, nằm co như dấu hỏi, như con tôm luộc chơ vơ trên cái đĩa lớn. Cô độc. Người cha cũng ngủ, cái đầu lọc thuốc còn bẹo dính bên mép. Em không còn gì để nhìn, nhưng không chợp mắt được. Em luôn thức trắng trên những chuyến tàu.
Em sợ bỏ lỡ những bình minh, cái khoảnh khắc mà người ta tỉnh dậy, tan chảy theo cơn lười nhác và tuyệt vọng, họ đã vĩnh viễn làm mất ngày hôm qua, và không có cách gì giữ lại ngày mới này. Thằng nhỏ Sói nhìn quanh quất, bất giác nó ứa nước mắt ra. Để che giấu điều đó, nó tụt xuống đi rửa mặt, nó chao đi trên con tàu trùng trình, tiếng bánh xe sắt nghiến vào đường ray buốt nhức. Người cha ngồi dậy, không thấy Sói đâu thì hơi hoảng, bươn ra cửa, dáo dác. Nhác thấy bóng thằng nhỏ Sói quay vô, người cha kêu lên:
"Sao không kêu cha?". Sói dửng dưng: "Mặt ai nấy rửa, cu ai nấy cầm, lâu nay con làm được mà”. Người cha vò tóc, dường như vẫn chưa dứt khỏi cơn mơ, ông khẽ cụng đầu vào thành tàu..
Giữa bữa sáng, người cha nói: "Tại chiêm bao thấy con đi lạc nên mới quýnh". Thằng nhỏ Sói ngoáy mấy sợi mì quấn vòng quanh chiếc đũa, nó gật gù: "Cha để lạc thì con mới lạc". Em ngồi xếp bằng, ngó mấy cái xoáy ngựa trên đầu thằng nhỏ Sói, và nghĩ thằng nhỏ này đã đi lạc lâu rồi. Điều đó gần như chắc chắn, vì em chính là thằng nhỏ Sói, giây phút này. Thấy ngạc nhiên và kỳ lạ, thấy không chấp nhận được khi người lớn bắt đầu tìm kiếm mình khi đã rời khỏi họ quá chừng xa.
Tàu lại vào ga. Lần này tàu sẽ dừng hẳn hai mươi phút. Hành khách tuôn xuống và đùn lại những hàng dài trước cửa những phòng tắm. Qua tấm lưới chắn, em nhìn thấy người cha chen đẩy thằng nhỏ Sói vô tắm trước. Ba phút sau nó đi ra với cái đầu rỏ nước long tong, cầm cái túi để người cha bước vào. Em vẫn thường xem cảnh chen chúc tắm táp như trò ảo thuật, người ta nhàu nhĩ bước vào và tươi mới, phấn khởi khi trở ra. Nhưng bây giờ thì em bận nhìn thằng nhỏ Sói, nó ôm cái balô nhỏ rúm vào người vì sợ kẻ cắp, đi rà theo mấy quán hàng. Nó dừng lại trước một gia đình đang ăn cơm không biết sáng hay trưa bên hàng hiên của nhà ga. Một đứa trẻ nằm gối lên đùi người mẹ, đầu đứa trẻ khác lại gối lên bụng đứa kia. Họ sẽ hát vài bài khi chuyến tàu ngược về phía mẹ em ghé lại ga này lúc xế chiều.
Em biết họ. Nhưng em không chắc thằng nhỏ Sói có biết, bởi nó cứ đứng nhìn, em chỉ thấy cái gáy của nó với sợi đuôi rùa im phắc. Cả người Sói thả lỏng, balô được xách hờ bằng mấy ngón tay buông lơi. Hồi lâu, Sói quay lại nhìn về phía tàu, và đôi mắt nó xuyên qua khoảng sân ga rộng làm vạt nắng xanh xao. Hay có cục mây bay ngang đầu mà em không thấy? Rồi Sói quay đi, nhòa vào dòng người. Cái dáng gầy gò với chòm tóc nhuộm vàng rốt cuộc chỉ còn trong trí nhớ của em.
Người cha trở ra, ông ngó quanh rồi thong thả lên tàu, giấc mơ kỳ dị lạc mất con đã bị nước giội khuây khỏa. Chỉ khi tới cửa buồng, người cha mới hơi chột dạ, hỏi thăm ông già, mà giọng đã có phần run: "Chú Hai có thấy thằng con cháu lên đây không?". Ông già lắc đầu. Người cha quay ngoắt xuống sân ga, gào tên thằng Sói trong khi mấy cái loa thông báo tàu sắp rời đi. Chân người cha gần như không chạm đất, cả người ông lướt đi giữa dòng người. Cầm điện thoại rướn người nhìn vào căn buồng trống trải, người cha lạc giọng: "Thằng Sói mất rồi... Alô. Mất. Không phải hành lý. Thằng Sói... Cô vừa ý chưa? Dẹp đám cưới của cô giùm tôi...".
Người trong mấy buồng chung quanh cũng túa ra, nháo nhác. Ông già chặn một nhân viên của tàu ngang qua nhờ tìm giúp thằng bé. Rồi ông già bồn chồn ngó xuống sân ga đã nhợt nhạt bóng người: "Trời đất ơi, tàu sắp chạy rồi, không biết tìm thằng nhỏ kịp không đây?".
Em biết là không. Thằng nhỏ Sói sẽ tan biến như chưa từng có trong đời. Nó xuống một ga không có bầy chó sủa khi nó về nhà của chính mình, một ga không có những người phụ nữ biết chính xác cái quần cộc của cha nó nằm ở đâu trong lúc nó tìm loay hoay.
Em thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ vun vén ở mỗi tiệm thuốc tây một chút. Nên em hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa của Sói.
---------------
Em ơi, ...!
Tôi cũng không nhớ sao mình dám gật đầu đi học khiêu vũ, bởi tính mình rất nhát. Nhảy nhót hay ca hát càng không phải là đam mê. Bài học đầu tiên, đi bước chân, khá thuận lợi. Sang bài sau, rồi lên lớp kế tôi thấy mình càng “ngu” cái khoản nhìn và lặp lại, nhớ chân trái hay phải, lên hay xuống, đếm nhịp, và đặc biệt là “ter” các loại. Tôi không biết bài này điệu gì, vào nhạc chỗ nào. Tôi lẫn lộn nào là boston, rumba, cha cha, paso, tango, rồi ja. Lại càng vô cùng bối rối khi bước xoay, vung tay ra. Không biết đi sao cho mềm mại, uyển chuyển và nữ tính.
Nhưng tôi biết, vào phòng bắt đầu nhảy thì những mệt mỏi cũng tan đi, hay ít ra chúng không làm tôi vướng chân. Tôi biết khi nhảy nên nhìn vào “partner” (chứ không phải nhìn chân người khác). Tôi biết thích nhảy một điệu quen và lắng nghe một bài hay như đang trong một “ballroom” thật. Tôi dù không thích mấy người đứng tuổi ăn mặc mát mẻ cho lắm, nhưng thấy ngưỡng mộ họ ở khoản “yêu mình, yêu đời” này lắm. Tôi nghĩ, họ sống nhiệt tình như thế, cớ sao mình lại không?
Tôi cám ơn mình vì cái gật đầu hôm đó.
Đặt tay lên vai anh, dìu một điệu valse…
Cho đến ¾ giờ trước khi chị bước vào cõi chết, An Mi vẫn chưa sống những ngày và những đêm của mình. Chị sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Lạc lõng, vô vị. Trong khoảnh khắc kêu cứu khỏi dòng nước đang chảy xuống triền núi ấy, có ai lắng nghe?
Cuộc đời chị là ký ức (bị chối bỏ) về một vùng quê chiến tranh, nơi đại bác giết mẹ và em chị, của một thời niên thiếu với tình yêu thương của người cha nuôi, là thời gian ngắn ngủi với người chổng yêu dấu, người bỏ chị lại sau một tai nạn ô tô vào một ngày mù sương. Sau cái chết ấy, chị cũng ra đi trên những con tàu để tìm đến cái chết, bởi cuộc đời giờ là vô nghĩa. Hai năm tiếp theo, chị sống bằng kí ức viết trong một sổ tay; bằng cuộc sống của Anita, một phụ nữ có lẽ bị chồng giết. Chị sống bằng những mảnh vỡ kí ức của Marcus, đứa em có đôi mắt đẹp và rất buồn…
Nhưng thật muộn màng khi chị nhận ra điều chị cần làm là nhìn thấy đứa em mình đã bỏ rơi một lần, cho chị giải oan, cho chị quay về với cuộc đời.
Truyện hay, doan không bà con gì với Đoàn Minh Phượng, nhưng sẵn sàng tặng cho ai thích đọc. (số lượng có hạn). ;-)
Nghe tiếng VKTB đã lâu, tìm và chờ tái bản. Nên mình háo hức mở xem ngay khi mua được nó.
Đọc để thấy cái lãng bãng mù sương của đất khách quê người, thấy cô độc của người thiếu phụ lạc loài trong thế giới bên-ngoài-đường-viền-chính-tôi. Cô sống trên những chuyến tàu, đi tìm mình trước khi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.
Cái rèm cửa sổ mở ra, một bầu trời trong xanh hửng nắng đã chờ sẵn ở đó. Mình thích màu xanh da trời, màu xanh của biển. Màu của hy vọng mà.
31.10. Vị thần thời gian này quét qua, có niềm vui sum họp cho người này, trăm công nghìn việc cho người khác, một sự kiện đau buồn cho ai đó... Không ai oán trách, bởi vì ai cũng biết đó là màu sắc của cuộc sống, có nóng có lạnh, có tươi có xám. Bởi, thời gian không bao giờ trở lại. Sáng nay mở rèm, phía trước bầu trời vẫn ở đó, xanh.
Hãy bắt đầu.
Lại một entry cho chiều thứ sáu. Tình cờ bắt được bài thơ của Lam Hạnh viết về Cam Ranh. Người Cam Ranh? Có phải mình đã nghe tên?
Đêm Cam Ranh
- Lam Hạnh- (Cam Ranh Đêm tháng tư 2007)
con đường quốc lộ băng băng tháng năm
chạy dọc ngàn trùng sóng vỗ
tung về phương nam tít tắp
xô về phương Bắc
những đèn xe
Cam Ranh
đêm thị xã
những gốc hoa sữa chồm dậy nói chuyện với con đường
bằng ngôn ngữ nồng hương
những mắt đường vàng lóa không hình dung nổi
màu biển đen thăm thẳm
nhưng nghe rất rõ những chuyện tình dưới gốc ẩn náu
đâm toạc những môi hôn tóe máu
những quán cà phê thênh thang
thả vào ngồn ngộn cơn gió mênh mang
hòa âm mới
Bến Cảng
đêm rất sâu
những chú cá quẫy đuôi ồn ả
những hụ còi đào xới
không yên lặng
những cánh tay khổng lồ hốt cả những vì sao
nhốt vào trong nụ tình em
vừa lóe…
Mình không biết CR mặt mũi ra sao vì lúc nào đi ngang cũng bận ngủ.:-) Nhưng chỗ nào có biển là mê tít, hihi.
Thật tình cờ cuối tuần lại được gặp thêm vài người CR nên mới nghe ké được đoạn sau (còn tiếp hai câu):
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều.
Bàn tay em
- Xuân Quỳnh-
Gia tài em chỉ có bàn tay,
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy,
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen.
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em,
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng,
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng,
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
Đường tít tắp, không gian như bể,
Anh chờ em, cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ.
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã.
Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở.
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,
Em trao anh cùng với cuộc đời em.
Mừng ngày Phụ nữ Việt Nam.
Tôi thật sự hâm mộ "cậu bé" làm cùng phòng và tổ ấm của cậu. Tôi không biết có nên gọi đó là sự ưu ái của ông trời không. Nhưng chắc chắn rằng không phải cậu bắt được hạnh phúc như "chờ sung rụng".
Cậu đi làm ngày thứ bảy "với vợ cho vui". Cậu in mẫu quần áo cho vợ may đồ. Cậu sẽ không đi học nếu vợ không đi. Nếu tôi buộc miệng "Dzậy có chán không?", đó có lẽ là câu nói vô duyên nhất.
Nên hoàn-hảo-hóa mọi thứ mình có đi. "Your destiny is in your hands."
Lại để quên cái mô-bai ở nhà. Xa một ngày thấy thiếu, bồn chồn, lo lo. Xa đến ngày thứ hai thì không-biết-là-mình-quên nữa. Giải thoát mình khỏi cái cục đó, vị trí không xác định, không-sẵn-sàng ở đầu dây bên kia thấy cũng hay hay.
Nhưng... ước gì, có cái sổ tay danh bạ của mình ở đây. ;-)
CHỌN NHÃN CHO MÌNH
Tôi là một cô gái không thon gọn cho lắm. Những lời trêu chọc của bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh khiến tôi luôn bị ám ảnh về cân nặng của mình.
Như một cách tự bảo vệ, tôi luôn tranh thủ “tự thú” trước khi bị người khác nhận xét về vẻ ngoài. Mỗi khi có ai đó chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân và mở miệng: “Em trông…”, tôi lập tức chen ngang: “Mập quá hả chị?”. Và 100% ngay sau đó, họ sẽ nhìn tôi thêm lần nữa và gật gù: “Đúng đấy, em trông mập quá!” và quay lưng bỏ đi.
Dù hơi buồn nhưng tôi tự an ủi như thế vẫn còn tốt chán so với việc họ đứng lại, ca bài ca con cá cho đến khi tôi phải gật đầu một cách cam chịu rằng mình quá mập.
Ngày sinh nhật 24 tuổi, tôi diện chiếc đầm mới, vào cơ quan thật sớm với hi vọng không bị ai “chiếu tướng” trong ngày đặc biệt này. Vừa bước chân vào cổng, bác lao công đã gọi tôi lại: “Con trông thật…”. Theo thói quen, tôi nhanh nhảu: “Mập quá phải không ạ?”.
Thoáng chút ngạc nhiên nhưng bác vẫn mỉm cười hiền hậu: “Không, bác muốn nói là trông con rất xinh. Sao con luôn tự nhận mình mập thế? Chả trách mọi người lúc nào cũng bảo con mập!”.
Câu nói của bác khiến tôi ngớ người và quyết định làm một cuộc “cách mạng”. Ngày hôm ấy, bất kỳ ai gọi tôi lại, tôi đều cố kềm lời “tự thú” như mọi khi. Thật bất ngờ, mọi người dường như quên bẵng chuyện tôi “sổ sữa”. Ai cũng khen tôi xinh và tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện mập ốm.
Tôi nghiệm ra rằng những người xung quanh thường nhìn bạn theo cách bạn tự nhìn chính mình. Hình ảnh của mỗi người trong mắt những người khác tương tự một tấm nhãn. Khi luôn tự ti và bộc lộ những cảm xúc tiêu cực, bạn vô tình tô đen “nhãn” của mình và mọi người cũng nhìn bạn y như thế. Ngược lại, nếu bạn tự tin, “nhãn” của bạn sẽ tươi sáng và rạng rỡ. Chọn “nhãn” nào là quyết định của chính mỗi người trong chúng ta!
----Nhỏ bạn hôm qua nhắc mình PR dùm nó hôm nay là sinh nhật của nó, để nó nhận được thật nhiều lời chúc. PR xong hết, thế mà đến tối muộn như thế này mình mới nhớ đến lượt của mình. Tệ!
Ngồi ở đây, nhìn trời tối thui, (sấm) chớp xẹt dọc ngang bầu trời, thấy không an toàn chút nào. Rủi có gì thì "nhảy dù" qua nhà bên cạnh thôi.
Về thôi, cho một weekend đầy ắp chuyện phải làm.
Từ bàn mình nhìn ra một khoảng trời xanh, tuyệt thật!
<Edited>
Cho đến buổi chiều các bạn trong phòng kéo rèm lại, vì phòng hướng về phía tây. Hết mộng mơ!
<Edited>
Sáng nay đem 1 cái cốc mới vào chỗ làm. Gắn bó của mình là qua cái cốc này đây. Hiện diện cũng bằng nó đấy.
Hôm nay là một ngày may mắn đối với mình. Xác suất sụp đổ kế hoạch lần 3 giảm rõ. Vui lên nào, vấn đề còn lại của mình là sáng suốt lựa chọn thôi.
- Đặng Hải Yến -
Em sợ không qua nghĩa địa mùa này
Nông sâu bước chân anh tìm em
Giữa bồng bông cỏ dại
Đêm hoá tháng ngày rong chơi những đồng vọng cũ kỹ không mùa
Không đợi chờ thêm một phân nào nữa cho con chim trốn rét về muộn
Ta nhảy điệu tango với gió xuân ào về u ám
Thôi thì giã từ lộc non
Có khóc được không hỡi tháng ngày tội nghiệp?
Trên con đường giật lùi
Mộng liêu trai
Mưa buồn con gái
Có đêm nay đom đóm bay lập loè
Mộng tràn và rụng đêm cuối tháng
Trong đám lá trầu xanh có nhện giăng tơ
Ta cắt dây quả chuông trên bậc thang gỗ
Hỏi người đang yêu
Nỗi nhớ
Nhớ
Là oằn mình trong cơn khát, ngồi nối tơ hồng đứt giữa những mảnh đông
Là đêm hoang vu sương ậm ì trong cỏ hoa tưng bừng cái mới
Là tiếng ve già khản đặc lời ca không ru nổi mùa hạ bình yên giữa hừng hừng sắc đỏ
là dịu dàng trong lá hoe vàng rơi xao xác dọc đường
con đường nứt hoác nỗi buồn
Đêm nghĩa trang rợn một bàn tay đi lang thang đi đến đâu lửa đỏ
Bàn tay khóc
Nhớ
đau
Đêm địa đàng trái cấm
Địa đàng
-----
Khoá blog nhiều ngày, sợ viết những gì u ám. Bị kẹt giữa cơn mưa chiều, trong quán net; "đồng thanh" đây rồi.
Mưa Bay Tháp Cổ Sáng tác: Trần Tiến - Thể hiện: Tùng Dương |
Tình Yêu Và Tuổi Trẻ Sáng tác: Quốc Dũng - Thể hiện: AC&M |
Niệm Khúc Cuối Sáng tác: Ngô Thụy Miên - Thể hiện: Đình Nguyên |
Ở LẠI ĐI
- Nguyễn Phong Việt-
Nơi này còn một câu chuyện vui chưa hết
tiếng cười chưa dứt
đêm chưa về sáng...
Nơi này còn cần một người để lau nước mắt
cần một tiếng thở dài đồng cảm
cần một cái lay vai thức tỉnh...
Nơi này còn những ngày thật ngắn
còn những đêm thật dài
còn những bình minh một người chưa thức giấc
những hoàng hôn một người đã chợp mắt...
Nơi này còn cần một giọng nói tha thiết
còn cần một tấm lòng thành thật
còn cần những ước mơ viển vông...
Nơi này còn một giấc ngủ bình yên
còn một cơn gió về thật nhẹ
còn một ánh trăng qua cửa...
Ở lại đi.
nơi này còn cần tất cả!
Câu chuyện như sau: bữa nọ, vì yêu thầm nhỏ bạn xinh đẹp, Harry quyết định bỏ kính qua một bên, cho… có vẻ đẹp trai, phớt đời, sương gió. Chàng ta mặc cảm với cặp kính mọt sách của mình. Chàng ta dùng bùa chú nhốt cái kính vào chiếc hộp có 2 tỉ ổ khóa với 2 tỉ chìa khóa được trộn lẫn vào nhau.
Từ giã một cuộc đời rực rỡ, Harry bắt đầu sống với đôi mắt xuống cấp trầm trọng, mờ mịt, tầm nhìn xa chưa đầy… một mét. Hồi nào giờ Harry chưa nhìn đời lung linh như vậy. Bây giờ thì tha hồ mơ mộng. Những phố, những nhà bỗng chênh chao như trong khói nắng. Qua sông, thấy sông chìm lãng đãng dưới sương. Rác xao xác trên đường cũng chẳng khác gì lá vàng đang hát khúc ca về cội. Đời ít màu sắc, không chói gắt, mọi hình khối trở về với sự đơn giản nhất, ít chi tiết nhất. Quá hay.
Chàng phù thủy suốt ngày chỉ lo học hành, đánh đấm đã biết thẫn thờ, mộng mị. Mắt lúc nào cũng dịu dàng, mơ màng. Coi đá bóng, ti vi cách chừng hai mét nhưng chỉ thấy áo trắng, áo đỏ chạy tới chạy lui. Vài người bỗng đẹp lên một cách ngỡ ngàng vì được lược bỏ một số chi tiết thừa, chẳng hạn như mặc áo chim cò, quần thì rách lai, tóc tai bờm xờm...
Bỏ kính, tai Harry tự dưng cực quá chừng. Nó phải lắng nghe, cảm thụ, phân tích những xấu đẹp của đời. Không ám ảnh bởi vẻ đẹp của người ca sĩ, của sân khấu lộng lẫy, tim Harry chẳng thèm run rẩy trước một tà áo xẻ cao, chỉ còn nao nao vì thanh âm thuần khiết của những bài hát quá chừng hay. Harry bồi hồi phát hiện ra mình có khả năng nhận biết tiếng từng bước chân trên những bậc thang, phân biệt được những tiếng cười ở phía xa xa, có cái cười nhiều thanh âm vỡ, lạc đi, có tiếng cười lạt nhách, có tiếng cười hể hả, phơ phởn, xủng xoảng và có tiếng cười buồn như cái ho khan... Tiếng cười mở ra những phận người.
Mắt mờ, Harry sống chậm hơn. Cậu thường mở cửa sổ, nghe gió run rẩy trong vòm cây bên dưới, những viền lá chạm vào nhau khẽ khàng, rụt rè, tê dại như lần đầu tiên người ta chạm môi nhau. Cách một bờ rào, xóm hẻm đã không còn ở đó nữa, hiện thực hơi lùi lại... Những mái nhà lem nhem khói, chắp vá bằng những tấm tôn, tấm nhựa rối nùi bỗng chỉ là bức tranh màu nước, hơi xa, chỉ tiếng chửi thề, tiếng trẻ con rượt đuổi nhau, tiếng rao, xoong chảo khua, tiếng khạc nhổ... là xao động. Giống như có người bịt mắt Harry, cậu nghe hơi thở phập phồng nóng bừng sau gáy, ngửi được mùi dầu gió trên tay, cảm nhận được khuôn mặt đó, nhưng cậu không thấy, hay thấy bằng cách khác, bằng tinh tế, bằng nhạy cảm, bằng nỗi nhớ, bằng tâm hồn của chân tóc và đầu những ngón tay.
Bằng cả những giác quan còn lại. Cái mũi xấu xí cũng thôi mặc cảm. Nhờ nó, và mùi bắp nấu, Harry biết bên hẻm, người đang sấp ngửa với cuộc mưu sinh. Bên ấy, khói đang lên, những ngọn khói ban đầu thì mảnh, khẽ khàng, dùng dằng, sau cuộn lên day diết. Lên cao, gió khuấy loãng khói chỉ còn là những cái gợn xanh xao. Cậu ta nhìn thấy khói, bằng ký ức những ngày rỗng không, viết không xong, đọc sách không xong, chán người và cậu đã ra đây nhìn khói. Trong khói có mùi bắp nấu ngọt lành.
Cái kính dày như đít chai vẫn nằm im trong hộp. Từ khi rời nó, Harry hiền lành kỳ lạ, dịu dàng kỳ lạ, trên môi cậu luôn sẵn một nụ cười. Cứ thấy lờ mờ bóng người lại nhoẻn cười, vì lẫn lộn những người quen và không quen, không cười thì sợ phụ nhau. Nên một bữa tụi phù thủy hắc ám đi ngang qua chàng phù thủy nhỏ, bỗng hết hồn khi thấy cậu ta cười cực kỳ thân thiện, dễ thương. Cả câu bùa chú tàn khốc nhất cũng không làm cho kẻ ác rối bời như một nụ cười thương yêu, nồng hậu.
Cả Harry cũng ngỡ ngàng nhận ra, không nhìn đời khắc nghiệt bằng mắt nữa, bỗng dưng dịu lại những vết thương lòng.
(Trích Mờ mờ nhân ảnh - NNT)
|
1. Ông nghĩ gì khi hỏi “Người châu Á có thể suy nghĩ?”?
- Vài năm trước, ở Singapore diễn ra đại hội quốc tế thường niên về suy nghĩ. Chính vào thời điểm đó tôi đã nghĩ đến câu hỏi này.
Vì sao tôi nghĩ đến nó khá đơn giản: vào năm 1000, các xã hội năng động và thịnh vượng nhất trên thế giới nằm ở châu Á. Châu Âu vẫn còn đang vật vã thoát khỏi thời kỳ Trung cổ và Bắc Mỹ còn chưa được phát hiện. 1.000 năm sau chúng ta có một hiện trạng đảo ngược hoàn toàn: các xã hội năng động và thịnh vượng nhất nằm ở Bắc Mỹ, châu Âu ở dưới một bậc và châu Á bị bỏ tít đằng sau. Câu hỏi tôi đặt ra: Tại sao những xã hội một thời tiên phong trong nền văn minh toàn cầu lại đánh mất cả một thiên niên kỷ?
2. Vì những nước này bị tụt hậu hay vì xã hội phương Tây tiến bộ quá nhanh chóng?
- Cả hai. Trong tư duy của người phương Tây có một bước nhảy vọt thần kỳ. Đã có phong trào Cải cách (ở châu Âu, thế kỷ 16), thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 14,15,16), cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - cứ hết đợt sóng này lại tiếp đợt sóng tiến bộ khác. Tôi đã thử làm một đứa trẻ của cả phương Đông và phương Tây để có thể hồn nhiên đi vào cả hai thế giới tinh thần này. Và tôi thấy đang tồn tại hai vũ trụ tinh thần khác biệt. Hai vũ trụ này đã không thể nhập vào nhau làm một. Khi hiểu ra rồi, tôi cảm thấy hoang mang bởi có rất nhiều người châu Á không thể nhận ra họ phải tự vấn thật nghiêm túc nếu muốn thành công và không lãng phí thêm một thiên niên kỷ nữa.
3. Ông muốn họ phải đặt ra những loại câu hỏi nào?
- Câu hỏi cơ bản nhất là: Tại sao xã hội của họ bị tụt hậu? Tại sao cho đến cuối thế kỷ 20 rồi mà chỉ có một xã hội châu Á duy nhất hiện đại hóa hoàn toàn là Nhật Bản? Theo tôi, nguyên nhân căn bản khiến xã hội phương Tây thành công nằm ở chế độ trọng dụng nhân tài và sự vô tư trong sử dụng tài năng. Vào năm 1992 khi theo học ở Harvard, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy Harvard có thể “thẳng thừng” và vô tư đến vậy trong công tác chọn lựa giáo sư. Họ muốn tìm ra người tài nhất ở từng lĩnh vực. Họ không cần biết đến nguồn gốc, quốc tịch, chủng tộc và càng không để những quan hệ cá nhân chi phối. Điều đó đã làm nên một Đại học Harvard vĩ đại.
4. Điều ông viết - phần còn lại của thế giới sợ phương Tây giống y như cách phương Tây sợ phần còn lại của thế giới - thật thú vị. Làm sao mà phương Tây nên “sợ phần còn lại của thế giới”?
- Những xã hội mạnh nhất hiện nay vẫn nằm ở phương Tây. Bạn sẽ kinh ngạc khi biết một quyết định đơn giản của phương Tây cũng có thể gây ra thiệt hại lớn. Thí dụ, trong thương mại, một qui định mới về chuối có thể giết chết cả một nền công nghiệp. Hay một qui định mới về dệt may có thể làm hàng ngàn người thất nghiệp. Có một tổ chức phi chinh phủ (NGO) nọ của Bỉ tới Bangladesh và phát hiện một xưởng thuê mướn lao động trẻ em. Họ đã reo lên theo kiểu “bắt quả tang”: “A ha. Mọi người thấy chưa? Thấy chúng tôi nói đúng chưa?”. Hai năm sau đó, NGO đó trở lại và anh đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Rất nhiều trẻ gái từng lao động ở đó bây giờ đã trở thành gái điếm. Đó là lý do tôi đã trích dẫn câu nói của Max Weber vào cuốn sách của mình: “Không phải cái tốt chỉ có thể sinh ra cái tốt và điều ác sinh điều ác, mà thường là ngược lại”.
Dân chủ là một mục tiêu dài hạn. Chúng ta không thể áp đặt cùng một hệ thống cho những xã hội được vận hành khác nhau. Cuối Chiến tranh lạnh, Francis Fukuyama đã viết bài báo nổi tiếng “Sự kết thúc của lịch sử”. Nước Mỹ thường nghĩ mình đã đi đến đỉnh của lịch sử và mọi người khác phải bắt chước theo để giống y như mình. Song điều mà chúng ta đang thấy, một bài học lớn, đó không phải là một sự kết thúc mà là một sự trở lại của lịch sử.
5. Liệu sự trở lại của lịch sử có làm các nền văn minh va chạm chan chát vào nhau? Hay đó sẽ là một sự hòa trộn các nền văn minh mà ông mong đợi?*
- Tôi thấy đang có một tiến trình hòa trộn diễn ra. Nếu đi du lịch từ Singapore qua Sydney, San Francisco hay Vancouver, bạn không có cảm giác mình đang giã từ một thế giới văn hóa này để đi vào thế giới văn hóa khác. Người châu Á và ngoài châu Á tương tác với nhau dễ và thoải mái. Nếu đi tới một trường đại học sẽ càng thấy rõ điều này, ở đó là sự gặp gỡ nhau của các tư tưởng.
Một điều tôi phải nhấn mạnh, mà điều này lại có vẻ mâu thuẫn với những gì tôi vừa nói, rằng dòng tư tưởng hiện nay chỉ mới là đường một chiều. Song tôi thấy sắp xuất hiện một con đường hai chiều. Lịch sử và văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ còn quá nhiều điều chưa được phát hiện lại. Châu Âu đã đi qua thời kỳ Phục hưng vài thế kỷ trước đây. Phải có một thời kỳ Phục hưng của châu Á trong vài thập kỷ tới. Nó phải tới thôi. Người châu Á đã đạt đến một mức độ giàu có nhất định, họ sẽ làm đúng theo những gì Rockefeller và một số người khác đã nói: quay trở về và phát hiện lại quá khứ.
|
Dak Mil đón hai chị em bằng những đồi bắp xanh ngút ngàn. Dọc theo triền núi là những hàng cây điệp vàng, nhìn xa như mimosa. Xe chạy lên xuống, tầm mắt tận chân trời, cứ ngỡ vớ tay là đụng mây …
Buôn Đôn không như mình tưởng đâu. Hơi bé và không có gì để chơi cho bõ một quãng đường dài 50 cây số. Các anh bảo em đi BĐ gì mà nửa mùa, không cơm lam, không thịt rừng, chưa uống rượu cần, chưa gặp già làng…
Cười trừ.
Nhưng mọi người ở đây hiếu khách và nhiệt tình là trên cả tuyệt vời.
Khi Em Ra Đi (remix) Sáng tác: Sĩ Luân - Thể hiện: Lam Trường |
Khoảnh khắc
- Hải Nguyên-
Ghế nệm êm êm, giấc mộng trầm mềm
Cửa sổ nâu nâu, cà phê nhỏ giọt không biết buồn rầu
Ngoài kia chiều rong chơi sang tối
Ngồi rã, mỏi cái chân, nhức cái đầu, thèm một giấc ngủ sâu
Mà cà phê say say trong giấc mộng thường ngày
Chúng mình nhìn nhau mỉm cười mơ mơ nhớ cái hẹn đầu tiên nhớ cảm giác đầu tiên
Tại cà phê say say, tại giấc mộng thường ngày
Em cố buộc giây phút này mãi mãi
Rất lâu rồi không nhớ!
- Phạm Vũ Ngọc Nga-
Bỗng dưng thấy mệt nhoài vì những bận rộn
Em chạy trốn chính mình
Leo lên một chuyến xe bất kì nào đó
Mê sảng gào thét hồi sinh…
Những kế hoạch cho hôm nay không còn quan trọng
Chiếc mobile cũng lặng lẽ tắt nguồn
Khái niệm “deadline” biến mất
Những ý nghĩ không tượng hình giằng xé
Đó chẳng phải nỗi buồn!
Em chợt nhận ra mình đang về với biển
Mắt vỡ tung những giọt muối trong ngần
Vỗ về cánh sóng
Để bình yên liếm nhẹ gót chân
Em nghĩ đến anh như mới ngày hôm qua
Trên ghềnh đá kia anh thì thầm cùng gió
Tóc em vẫn còn vẹn nguyên nụ hôn đó
Gửi những ngút ngàn…
Em bắt gặp vài nỗi nhớ đi hoang
Cười giòn tan
Ừ, hình như…
Đã rất lâu rồi em không nhớ!
Chào nhau lúc thị trấn lên đèn, một mình em trở về thành phố. Bốn mươi cây số. Bạn ái ngại cho đứa con gái đường xa vạn dặm, một mình, trong đêm tối…
Em nói em lang thang hoài, quen rồi, không sao đâu. Nhưng nói thẳng ra, em thích lênh đênh trên đường một mình như thế này thì hóa ra quái dị trong mắt của người ta. Bởi cô đơn chẳng phải là nỗi khiếp sợ của người đời sao?
Cứ một năm vài ba đợt em phải tham gia đoàn công tác đi huyện, mỗi đợt kéo dài bốn, năm ngày. Sớm đi, chiều về. Cực chẳng đã, mưa quá, hay nắng quá, hay khúc đường hiểm trở nhiều ổ voi ổ gà quá, em mới chui vào xe ô tô của mấy ông trong đoàn. Em nói em say xe, nên không thích. Sau đó mọi người phát hiện ra em chưa bao giờ say bởi bất cứ gì, (kể cả say người), em đành nói em không quá giang để rồi chờ đợi mệt mỏi, tự dưng không quyết định được chuyện đi ở, tự dưng để người khác giữ chân mình, em không thích. Người trong đoàn không nói gì, nhưng tia nhìn hơi khó chịu, hơi mỉa mai, “người ta nhà văn, nên phải ngạo mạn, lập dị như vầy…”. Em buồn cười, lên xe máy đi tuốt.
Bởi có nói đến Tết thì chẳng ai hiểu được, một mình trên đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác không ai theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai nắm bắt được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó, vậy là gương mặt cứ mềm ra, ngây ngây, vậy là ý nghĩ mông mênh, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ người này, sực nhớ người kia, đang nghĩ tới màu tím của những bông dừa cạn bên đường thì cái vệt xanh của vạt cỏ ống phớt qua, kéo theo những bông lau già bạc phơ phất.
Đây mới là mình. Cái cảm giác đó em chỉ có khi… ngủ. Nhưng vì ngủ sâu nên không ý thức được, không ngây ngất, vui sướng được. Cảm giác đó cũng đôi khi xuất hiện lúc em chen chúc giữa cái chợ đông người. Người lúc nhúc, nhưng ai nấy đều phải bươn tới, phải tất bật, phải giữ cái túi mình đề phòng bọn bất lương, phải cãi cọ đôi co để giằng lại chút tiền nhỏ nhoi. Chẳng ai nhìn lâu vào một cái gì, mắt họ lướt đi trên những món hàng đẹp đẽ, và em được tự do.
Nhưng ở đó, em không có được ngọn gió này, bờ cỏ này, vạt năn cháy nắng, cánh đồng hoang vắng, đìu hiu kia. Theo vòng bánh xe quay, ý nghĩ của em cũng trôi theo, đến nỗi em còn không theo kịp mình. Những cây lức trổ bông trắng xoá bên đường, cái cây quỷ này hồi nhỏ má hay đâm với muối để bó chân mình. Một hàng cây so đũa đang mùa ra trái, mấy chị lỡ thời chắc chạnh lòng, trời ơi, so đũa còn có đôi, huống chi… Một khúc cây nhỏ treo cái chai nhựa tòn ten trước một quán hàng nhỏ, ui trời, đây chắc là “biển hiệu” bán xăng, bà con mình nhiều khi cũng quá trời sáng tạo, treo bẹo cả trên bờ. Và con heo dơ èm ủi đất bên sông, cái xuồng ngập lé đé trong nước, những đứa trẻ tha thểu ngoài sân, bắt chuồn chuồn, cái panô vô “khu dân cư văn hóa”, những người đàn ộng chạy xe ôm chờ khách cháy da dưới nắng, người con gái đội rổ rau nước còn chảy ròng ròng đẫm vai, tổ chim trên lủng lẳng trên đường dây điện rối… những hình ảnh xui mình vừa nghĩ ngược về tuổi ấu thơ lại ngẩn ngơ chuyện hiện tại, chuyện tương lai của… đất nước, chuyện người với người, chuyện bữa cơm trong nhà người, chiều nay…
Và trong đêm tối mịt mùng đêm nay, những con đường cũng không vì thế mà mất đi vẻ biến ảo, lung linh. Em không vì cây cỏ bên đường chìm vào đêm mà thôi nghĩ. Bởi đêm không sao giấu che được sự không công bằng (mà dưới ánh sáng ban ngày, cái - sự - không này bày đầy ra), ở ánh đèn nhỏ le lói trong nhà này và rực rỡ chói lóa trong nhà khác; ở chăn chiếu rách nhà này và chăn nệm ấm ở nhà khác; ở những xóm nghèo chìm lặng như thuở hồng hoang và những khúc chợ đầy tiếng chạm cốc lanh canh lẫn trong tiếng karaoke vống lên trong tối. Nghĩ chán về sự công bằng (vốn không bao giờ có), em day sang những vì sao trên trời, vệt đèn pha của người đồng hành, những cô gái đứng bên vệ đường thẹn thò chờ người yêu tới, mùi cỏ đêm ngai ngái, gió đêm trong trẻo, mát lành… Tất cả những thứ đó em thường nghe thấy, nhưng trong cái thế bị nhìn, trong lúc đang đối phó, và cho dù em tự nhủ mình đang sống rất thật với lòng, nhưng mặt vẫn kênh lên, mắt vẫn tỉnh bơ, nên cảm giác với chung quanh cũng ráo tạnh. Bây giờ, chỉ một mình trôi đi, thấy mọi thứ cùng mông lung với mình, đẹp mà lạ, như mới gặp lần đầu, ngọt lành, mộng mị.
Sông dường như vẫn thường trôi như vậy.
Bạn gọi điện thoại, hỏi, về tới đâu rồi? Em ngơ ngác, không biết bạn ơi. Bạn nhằn trong điện thoại, trời đất, đi tới đâu cũng không biết nữa, đầu óc để đâu. Em cười, và nghĩ, cho tôi làm nước chảy chút nữa đi, làm ơn.
Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…