Friday 28 December 2018

28.12.2018


28.12.2018 là ngày đi làm cuối năm.

Như thường lệ, mình là người đến văn phòng sớm nhất. Ngồi ở bàn vừa ăn sáng vừa nghe live concert của HAT... vừa ngẩn ngơ, lãng đãng vì HAT hát toàn bài buồn


Bây giờ em biết vì sao gặp nhau biển xô sóng trào
Ngồi nghe chiều im gió lặng giữa muôn vàn hoa
Đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi
Thiên đường xưa khép lại....... từ muôn năm rồi


Rồi Xin lỗi với N.H làm mình tần ngần:


Xin lỗi cơn mơ vừa qua
Xin lỗi cơn đau vừa xa lạ
Xin lỗi nỗi vui còn vướng lại
Nụ cười đôi khi đắng cay lòng này.

Lời hát viết ra vì tôi
Vì biết nói ra lệ rơi
Xin lỗi đáng ra phải vui
Thế mà..


Ta thêm một tuổi. Vẫn ngẩn ngơ, thơ dại, cảm xúc khi lên khi xuống, chuyện nhỏ chưa thông, chuyện lớn không dám làm, chẳng quyết tâm, lắm bối rối...


Năm mới đáng ra phải vui, thế mà...




Thursday 6 December 2018

Chiếc răng rụng đầu tiên

Đẻ con, rồi tự dưng "mắc nợ" buộc phải nhớ những cái đầu tiên của nó.
Như lần đầu tiên gặp mặt nó. Đôi mắt nhìn lay láy. Da nhăn nheo như khỉ con.
Như lần đầu tiên hàm nó nhú cái răng sữa,
Lần đầu tiên nó tập đi, lần đầu tiên nói baba mama,
Lần đầu tiên nó đi máy bay,
Lần đầu tiên nó nhập viện,
Lần đầu tiên nó đi học,
Lần đầu tiên nó đi tàu lượn,
Lần đầu tiên đi thi đấu,
...
...
Và ngày hôm qua, 05.12.2018 Tin rụng cái răng sữa đầu tiên. Nó phấn khích và mẹ nó cũng thế, vì cũng là lần đầu tiên nó rụng răng ... có chích thuốc. Nó dũng cảm, không khóc (mắt chỉ ngân ngấn), không kêu la dù mẹ không cạnh bên (lo cho chị Hai).
Vượt qua lần đầu tiên này, những lần sau ... chấp nha sĩ hết con nhỉ?

Trải qua những lần đầu tiên cùng với nó thật tuyệt!

Saturday 17 November 2018

Growing girls

1. Xô 9 tuổi 7 tháng.
Trong lớp X, đã có bạn dậy thì.
Xô đem chuyện ấy về hỏi mẹ. Dù có chuẩn bị trước nhưng mẹ còn hơi lúng túng khi giải thích cho X chuyện ấy tại sao và như thế nào.
Cũng may là cô ấy cũng ""thông"" được một phần. Còn ""phần sau"" để từ từ mẹ lựa thời điểm và tâm thế con thích hợp để chia sẻ tiếp.
Chà, con gái sắp lớn rồi!

Đời, lắm chuyện đau lòng

Vừa qua trong lớp Tin có chuyện đau lòng. Mẹ bạn T.P. chẳng may đi bơi (học bơi) bị đuối nước mất. Ai biết tin cũng đau lòng, bởi mẹ ấy còn rất trẻ (tuổi mình) có hai con nhỏ, 6 tuổi và 3 tuổi, chuyện lại xảy ra đột ngột, trong tình huống không ai ngờ.
Mất 1 tuần mà mình vẫn còn sốc. Hình ảnh hai đứa con thơ dại quấn khăn tang, dòng chữ nghệch ngoạc "Con muốn mẹ về với con. Con yêu mẹ" làm tim mình thắt lại, nước mắt rơi lã chã.

Cũng trong thời gian này, mình tình cờ theo dõi 1 show truyền hình ACDT. Vẫn biết là đây là chương trình có kịch bản, đạo diễn, nhưng các tình huống chọn-không chọn, tôi hay cô ấy, nếu-thì... vẫn làm mình bị cuốn hút và xúc cảm lắm. Rơi lệ luôn.

Từ hai chuyện trên, mình vẫn nhận thấy mình yếu đuối lắm, mỏng manh quá... và rất sợ bi kịch!

Đối phó ư?
Chẳng còn cách khác, ráng mà sống-sâu hơn.
Bi kịch. Nó đến. Và nó đi.
Đời, vẫn cứ trôi. Có lắm chuyện đau lòng.

Sunday 14 October 2018

U40

Mình đã U40 mà vài năm nữa thôi là bà già U50. Già rồi thì đương nhiên là ... hết trẻ, hehe, nhưng có hết đẹp, hết khỏe, hết lạc quan hay không thì... chưa chắc.
Đến tuổi này, mình tự nhận thấy U40 hay U50 cũng có nhiều điều hay ho.
Thứ nhất, cuộc sống tương đối ổn định, có người để yêu thương, có công việc để bận-rộn (đã qua giai đoạn phát chán khi đi làm, chắc vì không đi làm thì không có gì để làm!), biết rõ hơn mình muốn gì, mình cần gì và cần làm gì.
Thứ hai, làm chủ và tự-biết-đủ, có thể miêu tả cụ thể như: đi siêu thị biết mình cần mua gì và thẳng thừng từ chối quà khuyến-mãi nếu mình thật sự không cần; đi coi phim chỉ mua 1 ly nước coke zero size nhỏ mặc dù upsize chỉ thêm 1.000 đ. Hehe.
Thứ ba, mua chứng khoán tự biết khi nào cần chốt lời và không còn run sợ nếu thị trường đỏ lửa. Bật mí, chỉ đầu tư 1 con CP!
Thứ tư, khi nào cần đẹp thì đẹp, cần nhỏ nhẹ thì nhỏ nhẹ, cần tranh cãi thì lên giọng, không quan tâm đến "mất hình ảnh bản thân" lắm. Mà bây giờ cũng biết luôn là trong đa số các trường hợp nổi nóng và tranh cãi là điều không cần thiết!
Đấy là về mặt tinh thần.
U40 thì biết lo cho sức khỏe hơn. Tập thể dục đều đặn hơn, hổng phải vì sợ... cô giáo mà là lo sợ cho bản thân mình, già mà yếu nữa thì ai yêu mình đây! Đúng không nào?

“We don’t grow older, we grow riper.” – Pablo Picasso

Đưa con đi học

Đối với các bố mẹ thời hiện đại, đưa đón con đi học là một phần tất yếu của cuộc sống làm bố mẹ. Quá trình đưa rước bắt đầu sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn so với bố mẹ ông-bà ngày trước. Lúc nó 2 tuổi đã bắt đầu đưa đón đến lớp mẫu giáo, rồi lớp tiếng Anh, học đàn, học bơi, học đá banh, cờ vua, học Stem, các thể loại ngoại khóa... Bố mẹ dành hết các thời gian rảnh rỗi cuối tuần (đa số) đưa con đến lớp, rồi bố tranh thủ hẹn gặp bạn ở quán cafe gần trường, bố làm việc, mẹ chạy vội đến siêu thị, đi gội đầu hoặc shopping linh tinh. Nhưng lý tưởng nhất là bố mẹ dành được thời gian để hẹn-hò chớp-nhoáng với nhau, xem 1 bộ phim ngăn ngắn (không quá 120'), hoặc đơn giản chỉ là uống cafe tán gẫu.

Lợi ích thứ nhất rõ ràng là được làm việc riêng cho mình, suy tư, refresh bản thân.

Lợi ích thứ hai là được nghe chúng "tâm sự" chuyện học, chuyện bạn bè, chuyện âm nhạc, phim ảnh, tất tần tật mà không cần dấu diếm gì. Bởi vì bố mẹ lúc này đóng vai người ""lắng nghe"" đúng nghĩa, tay chân mắt mũi không thể hiện được phản ứng gì vì ... bận lái xe, nên chúng có cảm giác chúng nói với nhau nghe mà thôi. Bố mẹ sẽ phát hiện có những "bí mật" động trời được bật mí một cách hồn nhiên và những tuyệt chiêu xử trí: "nếu em có thích ai trong lớp mà bị phát hiện ra là sẽ bị cả lớp trêu chọc luôn đó!", "chị đã google cách phát hiện ai đó thích mình! chị đã thử với bạn B.N và bạn M.K, bla bla...", "chị S. nói chị đó có bạn trai đó, bạn đó còn đi T.Q với chị S."...bla bla

Được cho "nghe lén" các mẩu chuyện hài hước và ngây thơ là điều tuyệt vời nhất và... phần thưởng quý giá nhất của bố mẹ. Và, như bạn nhỏ ấy mong ước, mẹ siêng đưa con đi học để con được 4 bằng khen chuyên cần luôn nhé! Vâng, mẹ chuyên cần thì con mới đạt thành tích siêu sao chuyên cần được chứ! Hễ con còn thích được bố mẹ đưa đón thì bố mẹ sẵn sàng thôi. Cho đến khi nào... thì chưa biết! :)

Friday 5 October 2018

D/I/S/C hay Tam giác/Gợn sóng/Tròn/Vuông - Bạn thuộc type nào?

Một mô hình hữu ích, dễ áp dụng để tự đánh giá bản thân và người khác trong thực tiễn công việc, đời sống.

Tuesday 11 September 2018

Tin - 6 tuổi và lớp 1

Sinh nhật Tin ấm cúng với ông, bà, cô bác, anh chị em họ. Món quà bất ngờ mẹ dành cho Tin đã bị Tin "phát hiện" trước đó hai tuần so "sơ suất" chụp hình gửi cho Bố. Mà, qua con mắt của thám tử Tin, mẹ nhận thấy Tin có khiếu quan sát và lý luận ghê lắm!
Sau vài tuần đi học, Tin đã có trải nghiệm love-búp-phê-lẩu. Chị Hai cứ trêu Tin, còn bố mẹ hơi ái ngại cho trái tim "nhẹ dạ" lỡ nhịp này! :)
Tròn 6 tuổi, Tin cao 1.12 m nặng 19 ký lô. Vẫn là em bé nhỏ nhất lớp, có đôi mắt tinh nghịch, đôi chân thoăn thoắt, cái đầu lý luận. Tin là cậu bé biết lấy lòng người khác, đặc biệt là phụ nữ, như hửi tóc mẹ, hôn mẹ, hôn bà, hôn bố; giúp mẹ lấy bục dẫn xe, mang vác đồ nặng (mà theo lời chị Hai là "thích thể hiện").
Sinh nhật con trai, mẹ chúc con mỗi ngày trên hành trình "đi học" để trở thành "người thông minh" thật vui. Mong con trở thành người nhân hậu, sống văn minh, tự chủ!
Yêu bé con thật nhiều!!!
Bố mẹ.

Wednesday 15 August 2018

14.8.2018 - Ngày đầu tiên vào lớp


Tin đã háo hức, chuẩn bị cho ngày đi học đầu tiên từ cả tháng trước. Tin được Công ty Bố tặng cho cái cặp chống gù lưng, được Bà mua cho 3 bộ quần áo mới, được Mẹ dẫn đi mua bút viết, được chị Hai hứa hẹn hé lộ nhiều bí mật hay ho ở sân trường...
6g sáng Tin bật dậy như một cái máy, chạy ù vào nhà tắm đánh răng, rửa mặt, thay bộ quần áo mới. Như một quy ước, ngày đầu tiên đến lớp Tin hay Xô đều được cả Bố và Mẹ hộ tống.
Lớp của Tin là lớp tích hợp đầu tiên của trường, sĩ số chỉ 35 bạn, bằng 3/4 lớp thông thường, trang bị của lớp cũng tươm tất hơn.
Kết quả của buổi đi học đầu tiên, Tin được cô dạy ngồi thẳng, khoanh tay, mắt nhìn lên bảng. Tin quen được một bạn tên Khang cùng bàn, khá giống Tin vì sinh gần ngày mà :)

Lớp một ơi lớp một!
Chào cô giáo mến yêu
Lớp học như là nhà
Cho ta nên người ra