Wednesday 4 April 2007

Đọc báo dùm bạn




Bài ký sự trên báo tuổi trẻ hôm nay về một người yêu Rừng. Tặng anh.

"Rừng ông Nguyên”

-Vũ Toàn-



TT - Từ một giáo viên trong phòng thí nghiệm vật lý, ông Lê Duy Nguyên, 57 tuổi, ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đã trở thành ông chủ số 1 trong làng doanh nghiệp trồng rừng cả nước.

Bỏ phố về rừng

Năm 1991, nhân chuyến về thăm quê, ông Nguyên lang thang ra vùng biển Bãi Chùa. Biển hoang vắng. Liền với bãi cát là hun hút đồi trọc nối nhau như những cái bát úp khổng lồ lơ thơ vài chục cây bạch đàn tội nghiệp. Ông tự hỏi: “Sao không trồng bạch đàn ở đây, vừa trồng rừng vừa bán được cây, lợi đôi bề?”.

Ý nghĩ đó thôi thúc mãi. Ông đến Sở Lâm nghiệp tỉnh rồi Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu tìm hiểu cách trồng rừng. Ở đâu ông cũng được giúp đỡ. Nhưng không ngờ cái chướng ngại đầu tiên ông gặp lại xảy ra ngay... trong căn nhà cấp bốn của ông. “Bà vợ rất lạnh lùng khi nghe tôi nói chuyện xin về hưu non để đi trồng rừng. Bà ấy bảo mình đang là công chức nhà nước, đang có vợ con êm ấm ở thành phố Vinh, cớ chi cứ nằng nặc đòi về nơi hẻo lánh sinh sống”. Nhưng ông đã quyết và bà cũng chiều.

Năm 1993, ông làm đơn nhận 168ha trong vòng 50 năm nhưng hạt kiểm lâm vận động nhận cho đủ 1.000ha vì đất trống, đồi trọc đang còn nhiều quá. Ông nhận luôn. Vợ chồng dốc hết hầu bao, có được năm lượng vàng và 250 triệu đồng. Thấy vốn còn ít, vợ chồng quyết định bán nốt mảnh vườn của ông nội để lại, dồn sức đầu tư cho sự nghiệp trồng rừng.

Doanh nghiệp... nhân dân!

Cuối năm 1993, lứa cây phi lao đầu tiên được ông Nguyên trồng dọc bãi biển phủ kín 10ha. Nhưng 10ha thì chẳng là bao so với 1.000ha đã nhận! Vậy là ông nghĩ cách huy động người dân cùng làm doanh nghiệp với mình, với phương thức “doanh nghiệp trả gạo mỗi công lao động, đảm bảo đủ ăn trong ngày; liên tục như vậy cho đến khi thu hoạch, chủ doanh nghiệp hưởng 20% giá trị sản phẩm rừng, lao động hưởng 80%”. Kết quả có 60 lao động là người dân của làng Đông Hồi tham gia. Chủ yếu là phụ nữ vì đàn ông đi biển hết. Với phương thức này, rừng của ông và cũng của mỗi người nên ai nấy ra sức bảo vệ và chăm sóc.

Mỗi ngày cùng bà con gánh hàng vạn cây giống, hàng trăm thùng nước rẽ dây leo chằng chịt leo lên từng quả đồi khô khốc để trồng và tưới, ông Nguyên thấu hiểu từng giọt mồ hôi nhỏ xuống. Giữa năm 1994, ông quyết định tăng 0,5kg gạo/người/ngày công và sau đó tăng lên 2-3 kg/người/ngày công. Năm 2000 khi đã trồng được 300ha rừng bạch đàn, keo và 267ha rừng thông, phi lao thì ông chấm dứt phương thức này, chuyển sang trả công lao động 25.000 - 28.0000 đồng/lao động/ngày công theo yêu cầu của bà con.

Ông kể: khi cây mọc thành rừng thì đủ loại chim về trú ngụ và ông không chịu nổi cảnh “hàng chục người đi bắn chim công khai, vác về từng túi”. Ông ngăn: “Khi đất trống, đồi trọc thì đố thấy bóng một con chim nào. Bây giờ rừng xanh tốt mới có môi trường cho chim về sinh sống. Rừng này là của tôi nên tôi cấm không được bắn chim trong rừng này”. Cũng có cãi cọ qua lại nhưng rồi người ta hiểu, không vào “rừng ông Nguyên” bắn chim nữa.

Không phải hưởng được mới làm

Từ năm 2004 “rừng ông Nguyên” cho thu hoạch lứa đầu, được 1,5 tỉ đồng. Ông tính, cứ theo kiểu thu hoạch “cuốn chiếu” thì mười năm nữa riêng vùng rừng thông sẽ cho 1,2 tỉ đồng tiền nhựa/năm trong chu kỳ 50 năm. 300ha bạch đàn, keo có giá trị 9 tỉ đồng/năm trong thời gian tái sinh tám năm. Nhưng tầm nhìn về kinh tế rừng của ông không dừng lại ở đó: ông muốn trồng lim. Theo ông, sở dĩ người ta ít trồng lim là do tới 70 năm mới thu hoạch được, lâu quá. Nhưng với ông, do chu kỳ phát triển dài nên tính chất bảo vệ môi trường của rừng lim càng bền vững. Mặt khác, cây lim có giá trị kinh tế rất cao. Một hecta lim trồng 500 cây. Sau 70 năm sẽ cho 3 khối gỗ/cây. Theo giá hiện tại là 15 triệu đồng/khối. Khi thu hoạch nếu trừ hao, chỉ tính 300 cây/ha và một cây chỉ tính hai khối thì một hecta sẽ cho 9 tỉ đồng. 300ha sẽ có 1.800 tỉ đồng. So sánh với đất nông nghiệp loại tốt nhất cũng chỉ đạt 10-15 triệu đồng/ha/năm. Nhưng một hecta cây lim sẽ có 128 triệu đồng/năm. 70 năm sau chắc chắn ông không còn sống để hưởng nhưng ông bảo “đâu phải cái gì hưởng được mới làm!”.

Có rừng rồi ông lại làm đường. Có đường mới đi kiểm tra, bảo vệ rừng được. Đường còn là băng cản lửa, ứng phó với hỏa hoạn. “Với sáu xe Hyundai, bốn máy xúc, bốn máy ủi, chúng tôi làm cật lực từ năm 2004 đến nay mới xong. Cùng với mở đường là ngăn đập xây hồ chứa nước với trữ lượng 50.000m3 để giữ độ ẩm cho rừng, để có nước mà cứu rừng khi không may bị cháy. Tổng trị giá hết 11 tỉ đồng” - ông hồ hởi nói.

Bất ngờ tôi thấy những chú hươu sao ngơ ngác nhìn “khách” bên lũng núi. Ông Nguyên cười thật vui: “Năm 1996 khi con hươu sao mất giá, người ta xẻ thịt nó làm đặc sản trong nhà hàng, tôi đi vay tiền bạn bè mua được 60 con cùng với 30kg rùa thả vào rừng. Nay vô rừng thi thoảng gặp hươu con bám chân hươu mẹ, thích lắm”.

No comments:

Post a Comment